Ngày 12/10, trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An cho biết, nước này sẽ có thêm các biện pháp trong năm nay. Song, các quan chức không cung cấp chi tiết về quy mô hay thời gian của các biện pháp kích thích tài chính đang được chuẩn bị, vốn được kỳ vọng sẽ nới lỏng sức ép giảm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo các nhà phân tích tại HSBC Global Research, các biện pháp quan trọng nhằm giải quyết nợ của chính quyền địa phương và hỗ trợ ngành bất động sản đang gặp khó khăn đã được đề cập. Điều này là rất cần thiết cho tăng trưởng bền vững. Các nhà phân tích kỳ vọng sẽ có thêm chi tiết được công bố vào cuối tháng này.
Hiện các nhà đầu tư đang hướng chú ý đến số liệu về doanh số bán lẻ, thương mại và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Nhà phân tích thị trường Tony Sycamore, của IG, nhận định tác động của các biện pháp kinh tế gần đây có thể chưa được thể hiện ngay lập tức trong các dữ liệu sắp tới, nhưng những con số này sẽ cung cấp thêm thông tin về tình hình kinh tế của Trung Quốc và giúp trả lời câu hỏi liệu có cần hành động thêm hay không.
Chốt phiên này, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 2,1% lên 3.284,32 điểm; còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 0,8% xuống 21.092,87 điểm. Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.
Trong số các thị trường khác, chứng khoán Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Manila (Philippines), Mumbai (Ấn Độ) và Jakarta (Indonesia) đều tăng.
Đà tăng ở châu Á trong phiên 14/10 cũng nối tiếp kết quả tích cực của phố Wall vào cuối tuần trước, khi cổ phiếu Mỹ lập kỷ lục mới nhờ lợi nhuận mạnh mẽ từ các ngân hàng lớn.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 14/10, chỉ số VN-Index giảm 2,05 điểm (0,16%) xuống 1.286,34 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,66 điểm (0,28%) xuống 230,72 điểm.