Chiều 17/8, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,49%, xuống 500,43 điểm, sau khi có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/11/2022 là 495,03 điểm. Chỉ số này đã giảm khoảng 8% kể từ đầu tháng Tám và đang hướng tới tháng giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022.
Biên bản cuộc họp tháng 7/2023 của Fed cho thấy, trong khi một số ít ý kiến cho rằng đẩy lãi suất lên quá cao sẽ tạo ra rủi ro đối với nền kinh tế, thì nhiều nhà hoạch định chính sách tiếp tục đi theo chiều hướng “diều hâu”, đặt ưu tiên cho cuộc chiến chống lạm phát. Diễn biến này đã "giáng" một đòn mạnh vào các nhà đầu tư, những người đã hy vọng lãi suất hiện đã đạt đỉnh sau một chuỗi dữ liệu cho thấy lạm phát đang giảm và thị trường việc làm đang suy yếu. Nhìn chung, biên bản cho biết các nhà hoạch định chính sách của Fed đã đồng ý rằng mức độ không chắc chắn vẫn còn cao và các quyết định về lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào "tổng thể" dữ liệu đến trong "những tháng tới".
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng ghi dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp, chạm mức thấp nhất hai tháng rưỡi, do những lo ngại về kịch bản Fed tiếp tục nâng lãi suất. Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 hạ 140,82 điểm (0,44%), xuống 31.626 điểm. Đồng USD cũng nhanh chóng tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng so với đồng yen vào phiên này, đạt mức trung bình 146 yen/USD, do lãi suất dài hạn của Mỹ tăng sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng Bảy của Fed được công bố, làm dấy lên đồn đoán về việc ngân hàng này tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất ba tháng, khi giới đầu tư quan ngại về chính sách lãi suất của Fed và những rủi ro tiềm ẩn của thị trường bất động sản Trung Quốc. Chốt phiên, chỉ số này mất 5,79 điểm (0,23%), xuống 2.519,85 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp.
Chuyên gia Steve Sosnick từ công ty môi giới chứng khoán Interactive Brokers cho biết: “Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì chính sách lãi suất cho đến khi họ tin chắc rằng kỳ vọng lạm phát đã bị dập tắt”.
Bầu không khí ảm đạm của thị trường châu Á cũng lan sang châu Âu khiến chỉ số Eurostoxx 50 mở cửa giảm 0,51%. Chỉ số DAX của Đức giảm 0,55% và chỉ số FTSE của Anh giảm 0,35%.
Chỉ số STOXX 600 của châu Âu cũng chạm mức thấp nhất một tháng vào phiên 17/8, chịu áp lực bởi việc các công ty kinh doanh hàng xa xỉ đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, xu hướng mua vào cổ phiếu giá hời đã bù đắp phần nào lo ngại về đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và vấn đề lãi suất tại Mỹ. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm nhẹ 2,67 điểm, xuống 18.326,63 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa phiên tăng 13,61 điểm (0,43%), lên 3.163,74 điểm.
Tại Việt Nam, khép phiên giao dịch ngày 17/8, chỉ số VN-Index giảm 9,78 điểm (0,79%) xuống 1.233,48 điểm, còn chỉ số HNX-Index lùi 2,59 điểm (1,03%) xuống 249,97 điểm.