Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số chứng khoán tại Tokyo (Nhật Bản) và Hong Kong (Trung Quốc) đã lần lượt giảm ở mức 0,3% và 0,8%. Tương tự, thị trường Sydney và Seoul (Hàn Quốc) lần lượt giảm 0,1% và 0,8%. Thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm mạnh nhất ở mức trên 1%, trong khi các thị trường Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Wellington (New Zealand) và Manila (Philippines) cũng ngập trong sắc đỏ.
Chuyên gia Stephen Innes của AxiCorp nhận định thị trường đang lo ngại trước xu hướng số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trên toàn cầu. Đặc biệt, xu hướng số ca nhiễm tăng vọt tại các bang đông dân của Mỹ gồm Florida, Texas và California trong những ngày qua đã dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Tuy nhiên, các dòng tiền lại đang chảy về những nơi an toàn hơn như lĩnh vực công nghệ, vốn được hưởng lợi từ việc kéo dài các lệnh phong tỏa, qua đó giúp giảm thiểu tác động lên các chỉ số chứng khoán. Nhiều quốc gia cũng đang nới lỏng phong tỏa và đưa ra các gói hỗ trợ quan trọng, giúp tăng niềm hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao cuộc đua vào Nhà Trắng, khi ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden công bố kế hoạch thúc đẩy việc làm, tăng trưởng kinh tế trị giá hàng tỷ USD, cũng như tăng thuế doanh nghiệp từ 21%-28%.
Đây là những nhân tố giúp chỉ số Nasdaq tại Wall Street nhiều lần lập kỷ lục. Chốt phiên giao dịch ngày 9/7, chỉ số Nasdaq đã tăng 0,5% lên 10.547,75 điểm, lần thứ 5 liên tiếp kỷ lục trong các phiên giao dịch vừa qua. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones và S&P 500 lại lần lượt giảm 1,4% và 0,6% xuống còn 25.706,09 điểm và 3.152,05 điểm. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp không thấy lạc quan hơn khi số lao động Mỹ nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp giảm 99.000 người so với tuần trước xuống còn 1,3 triệu người. Các nhà phân tích cảnh báo rằng con số này vẫn ở mức cao và việc một số bang đóng cửa có thể dẫn đến nhiều việc làm bị cắt giảm.
Theo trang thống kê worldometers.info, Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 với 3.219.999 ca nhiễm và 135.822 ca tử vong. Theo Đại học John Hopkins, Mỹ, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 65.551 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát.