Trong khi đó, dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ ở mức cao nhất trong 40 năm càng tạo thêm áp lực cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc nâng lãi suất.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 527,62 điểm (2,05%), xuống 25.162,78 điểm. Sự sụt giảm được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu liên quan tới các thiết bị vận tải, dụng cụ chính xác và thiết bị điện. Đáng chú ý, phiên này, đồng USD chạm mức cao nhất 5 năm so với đồng yen, sau khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh trong đêm trước do số liệu cho thấy lạm phát của nước này tiếp tục leo thang. Cụ thể, chiều phiên này, đồng yen giao dịch ở mức 116,70 -116,75 yen/USD, so với mức tương ứng 116,08-116,18 yen/USD vào phiên trước tại thị trường Mỹ và mức 115,92-115,94 yen/USD vào phiên 10/3 tại thị trường Nhật Bản.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng hạ 19,04 điểm (0,71%), xuống 2.661,28 điểm, chủ yếu do dữ liệu lạm phát kỷ lục của Mỹ, dấy lên lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn từ Fed và khả năng lạm phát kèm suy thoái kinh tế (stagflation) trên toàn cầu.
Các thị trường chứng khoán Sydney của Australia, Manila của Philippines, Jakarta của Indonesia, Bangkok của Thái Lan và Kuala Lumpur của Malaysia cùng đều chốt phiên trong sắc đỏ.
Tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động ngược chiều nhau. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 336,4 điểm (1,61%), xuống 20.553,79 điểm, theo chân đà bán tháo trên toàn thị trường châu Á. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lại tăng nhẹ 13,65 điểm (0,41%), lên 3.309,75 điểm.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã gặp nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine hai tuần trước. Nhưng hai bên đã không đạt được tiến triển để chấm dứt tình hình căng thẳng đã khiến hơn 2,3 triệu người phải rời khỏi nước này.
Trước tình hình đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo tổ chức này có thể sẽ hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay do tình hình căng thẳng địa chính trị hiện nay. Cảnh báo này đã làm tăng thêm tâm lý bi quan của giới đầu tư.
Bên cạnh đó, các số liệu kinh tế mới nhất cũng khiến các nhà đầu tư thêm lo ngại. Giá tiêu dùng ở Mỹ đã ghi nhận mức cao mới trong 40 năm qua, với mức tăng 7,9% trong tháng Hai so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận rằng giá cả tăng mạnh là một vấn đề và lạm phát có thể sẽ duy trì ở mức rất cao.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 10/3 đã nâng dự báo lạm phát năm nay của Liên minh châu Âu lên đến 5,1%, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 3,7%.
Cũng trong phiên 11/3, tại thị trường Việt Nam, VN-Index giảm 12,54 điểm xuống 1.466,54 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 878,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 27.654,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 129 mã tăng giá, 326 mã giảm giá và 37 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 5,44 điểm xuống 442,2 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 175,1 triệu đơn vị, tương ứng gần 4.461 tỷ đồng. Toàn sàn có 95 mã tăng giá, 175 mã giảm giá và 48 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng nhẹ 0,08 điểm lên 115,37 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 161 triệu đơn vị, tương ứng trên 2.539,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 206 mã tăng giá, 221 mã giảm giá và 206 mã đứng giá.