Thực tế, thị trường vừa trải qua tuần giao dịch đầy khó khăn, các chỉ số quay đầu giảm điểm và thanh khoản sụt giảm do những e ngại của giới đầu tư trước những thông tin tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 26 - 30/8, VN-Index giảm 8,39 điểm xuống 984,06 điểm; HNX -Index giảm 0,933 điểm xuống 102,32 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước đó với khoảng hơn 4.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Xét đến nội tại các nhóm cổ phiếu quan trọng trên thị trường có thể thấy, hầu hết các nhóm cổ phiếu đang diễn biến đi ngang, hoặc tiêu cực.
Cụ thể, là tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các mã vốn hóa lớn thuộc ngành thực phẩm - đồ uống là MSN giảm 2,1%, SAB giảm 0,9%, trong khi VNM gần như đi ngang khi chỉ tăng 0,1%.
Bên cạnh đó, tại nhóm cổ phiếu Vingroup, VIC giảm 1,2%, VRE giảm 1,6%, trong khi VHM tăng 1,7%. Các mã lớn khác giao dịch tiêu cực như: BVH giảm 3,2%, HPG giảm 5,3%, FPT giảm 2%, VJC giảm 1,5%, PNJ giảm 0,7%.
Như vậy, có thế nhận thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang có diễn biến tiêu cực khi một loạt mã giảm giá khá mạnh. Trong khi đó, dòng tiền vào thị trường cũng đang rất yếu, khiến nhiều mã vốn hóa lớn thiếu đi động lực tăng trưởng.
Tuần qua, dù giá dầu thế giới tăng, nhưng do ảnh hưởng từ thị trường chung nên nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn giảm giá rất mạnh. Cụ thể, GAS giảm 5,1%, PVB giảm 5,6%, PVS giảm 1%, PLX giảm 0,8%...
Tuần qua, giá dầu thô Mỹ tăng 1,7% còn giá dầu Brent tăng 1,8% , một phần nhờ những kỳ vọng rằng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dịu xuống. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/8 cho biết các đoàn đàm phán của hai nước đang duy trì các cuộc thảo luận hiệu quả.
Tuy nhiên, giá dầu đã giảm khoảng 20% kể từ khi chạm mức cao nhất trong năm 2019 hồi tháng Tư, một phần do những lo ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu đối với “vàng đen”.
Tính riêng trong tháng Tám, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 7,3%, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 6%.
Như vậy, động lực tăng trưởng dành cho nhóm cổ phiếu dầu khí thực tế là chưa rõ ràng, khi giá dầu tăng vẫn chưa trở thành xu hướng trước những diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Samuel Siew, nhà phân tích tại công ty môi giới đầu tư Phillip Futures nhận định, rất khó để dự đoán những thay đổi và biến chuyển đột ngột trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Ngoài nhóm cổ phiếu dầu khí, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến cũng không mấy khả quan trong tuần qua. Tại nhóm cổ phiếu này, các cổ phiếu tăng giảm trái chiều.
Ở chiều tăng giá có TPB tăng tới 13,8%, BID tăng 3,2%, VPB tăng 2,5%, MBB tăng 2%, trong khi VCB giảm 1,9%, ACB giảm 1,7%, HDB giảm 1,6% và CTG giảm 1,4%. Các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn như SHB và NVB đi ngang với biên độ hẹp.
Tuần tới, nhóm cổ phiếu ngân hàng có lẽ diễn biến “lình xình” khi các mã ở chiều tăng không còn nhiều động lực tăng trưởng.
Tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, các mã trụ cột trong nhóm có mức giảm giá lớn như: VCI giảm 4,1%, SSI giảm 3,6%, VND 2,8%, HCM giảm 1,6%.
Với việc thanh khoản thấp và thị trường diễn biến lình xình thì nhóm cổ phiếu chứng khoán ít có khả năng tăng trưởng mạnh. Thực tế, nhiều mã cổ phiếu chứng khoán đã giảm trong thời gian khá dài khi các chỉ số diễn biến không tích cực.
Bên cạnh đó, có thể do những e ngại trước diễn biến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khối ngoại trong tuần qua cũng “mạnh tay” bán ròng gần 130 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có sức ảnh hưởng lớn lên các kênh đầu tư trên toàn thế giới; trong đó, ảnh hưởng nhanh nhất có lẽ là tới thị trường chứng khoán.
Tuần qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng trưởng nhờ những dấu hiệu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt, khi Trung Quốc cho biết sẽ không ngay lập tức đáp trả quyết định tăng thuế mới của Chính phủ Mỹ đối với hàng hóa của Trung Quốc và hai nước đang có các cuộc trao đổi hiệu quả.
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 3,02%, S&P 500 tăng 2,79%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng Sáu. Trong khi chỉ số Nasdaq tăng 2,7%.
Theo giới phân tích, tuần tới, Mỹ-Trung có thể nối lại đàm phán thương mại, Bắc Kinh dường như cũng giơ cành ô liu về phía Washington, nhưng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không vì thế mà sớm chấm dứt.
Trong một báo cáo phát đi hôm 28/8 được hãng tin CNBC trích dẫn, chuyên gia kinh tế Trung Quốc Yi Xiong thuộc ngân hàng Deutsche Bank cho rằng, Trung Quốc hiện tại vừa không muốn nhanh chóng đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ, vừa không muốn đáp trả Mỹ mạnh tới mức mà họ có thể.
Chiến thuật của Trung Quốc hiện nay là đồng thời với việc mở cửa đối với các vòng đàm phán thương mại tiếp tới, Trung Quốc sẽ nỗ lực giảm lệ thuộc vào Mỹ và không có quá nhiều khả năng cho việc Trung Quốc nhượng bộ trước Mỹ.
Trước diễn biến khó lường từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giới chuyên gia trong nước đã đưa ra nhận định khá thận trọng cho tuần giao dịch tới.
Nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) kỳ vọng về một nhịp tăng mới của chỉ số VN - Index để thử thách lại ngưỡng 1.000 điểm trong thời gian tới.
Tuy vậy, nhóm phân tích từ SHS cho rằng, thông tin vĩ mô có ảnh hưởng nhất đối với thị trường vào thời điểm hiện tại có lẽ vẫn sẽ là những diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hứa hẹn sẽ rất khó đoán. Trong bối cảnh như vậy, những giao dịch trong ngắn hạn vẫn cần sự cẩn thận và chọn lọc nhất định.
Trong khi đó, các chuyên gia tới từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, không có thông tin hỗ trợ, trạng thái giằng co của thị trường còn tiếp tục diễn ra trong tuần tới và không ngoại trừ còn những phiên rung lắc đan xen do ảnh hưởng tâm lý từ thế giới.