Cụ thể, VN-Index giảm 55,8 điểm (-4,29%) xuống mức 1.243,51 điểm. Thị trường chứng khoán đã không thể phục hồi được vì nhà đầu tư tiếp tục bán tháo nhiều hơn phiên sáng 19/7.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 19/7, PGS, TS Nguyễn Khắc Thanh, chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Diễn biến của thị trường chứng khoán trong những ngày tới vẫn khó lường, COVID-19 phức tạp góp phần giảm điểm sâu của VN-Index.
Mỗi lần giảm mạnh, các nhà đầu tư đều liên tục nhắc đến cụm từ “vỡ margin” và “force sell”, để mô tả hiện tượng bán tháo cổ phiếu cùng với việc bắt buộc bán của các công ty chứng khoán đối với những tài khoản vi phạm mức ký quỹ duy trì tối thiểu. Theo TS Nguyễn Khắc Thanh, khi chứng khoán giảm điểm mạnh, những nhà đầu tư nhỏ vay margin (giao dịch ký quỹ) thường gặp rủi ro nhiều hơn vì không có ngay tiền để nộp vào tài khoản trả nợ của công ty chứng khoán.
Chốt phiên giao dịch chiều 19/7, sàn HoSE có 50 mã tăng và 346 mã giảm (71 mã giảm). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 731 triệu đơn vị, giá trị 21.848,32 tỷ đồng, tăng 57% về khối lượng và 41,35% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 16/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,41 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.801 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu tài chính là ngân hàng và chứng khoán diễn biến khá tiêu cực với hàng loạt mã giảm sàn như: CTG, LPB, TCB, TPB, VIB, VPB hay AGR, APG; phần lớn cổ phiếu cũng không thoát khỏi đà giảm sâu như: MBB, SSI, BID, SSB… giảm trên 6%; VCB, HDB, EIB, ACB, STB… giảm trên dưới 4%.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều 19/7, sàn HNX có 41 mã tăng và 186 mã giảm, HNX-Index giảm 15,7 điểm (-5,1%) xuống 292,06 điểm. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,27 triệu đơn vị, giá trị 351,7 tỷ đồng.
UpCoM-Index giảm 2,74 điểm (-3,21%) xuống 82,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 61,74 triệu đơn vị, giá trị 997,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 20,2 triệu đơn vị, giá trị gần 319 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị ảnh hưởng ít nhất 2 lần rõ rệt bởi dịch COVID-19. Đầu tiên vào đầu năm 2020, khi dịch bắt đầu xuất hiện tới cao điểm phải giãn cách xã hội, VN-Index từ vùng gần 1.000 điểm hồi tháng 1/2020 đã lao về đáy cuối tháng 3/2020 về mốc 645 điểm, mất khoảng 30%. Sau đó khi dịch COVID-19 tái bùng phát tháng 8/2020, VN-Index mất khoảng 10% số điểm. Còn nhịp giảm mạnh từ 1.200 điểm xuống 1.000 điểm vào tháng 1/2021 vừa qua, dù khá mạnh nhưng đợt giảm này không hoàn toàn là phản ứng do dịch tái bùng phát.
Chậm nhất đến ngày 30/6/2025, tất cả cổ phiếu sẽ giao dịch duy nhất trên HoSE
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác.
Theo Thông tư 57, chậm nhất đến hết ngày 30/6/2025, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) thống nhất tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, thị trường giao dịch cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cụ thể: HoSE tiếp tục tổ chức thị trường giao dịch đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm đã niêm yết tại HoSE trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành; đồng thời, tổ chức giao dịch đối với chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm đăng ký niêm yết mới.