Vào lúc 8 giờ 2 phút Việt Nam tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.220,66 USD/ounce. Giá vàng đã tăng 1,3% trong tuần vừa qua, mức tăng hàng tuần mạnh nhất trong bảy tuần. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.224,1 USD/ounce.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ( PBoC tức ngân hàng trung ương) Dịch Cương ngày 14/10 cho hay vẫn còn “dư địa” để điều chỉnh lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), trong khi những rủi ro suy giảm đến từ tình trạng căng thẳng thương mại với Mỹ vẫn còn lớn.
Báo cáo Triển vọng kinh tế Toàn cầu (WEO) mới nhất do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ mức tăng 6,9% trong năm 2017 xuống 6,6% vào năm 2018 và 6,2% năm 2019 (giảm 0,2 điểm so với dự báo tháng Bảy). Theo IMF, việc hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 của Trung Quốc là do tác động tiêu cực của các biện pháp thuế quan gần đây. Trong trung hạn, nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự báo sẽ dần dần giảm xuống 5,6%, khi Trung Quốc tiếp tục quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững hơn thông qua giảm thiểu rủi ro tài chính và kiểm soát vấn đề môi trường.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Randal Quarles ngày 13/10 cho hay Fed có xem xét tới tác động của việc tăng lãi suất đối với các thị trường mới nổi khi xây dựng chính sách, và nói rằng việc tăng lãi suất là “hướng đi đúng của chính sách nội địa” tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hồi tháng 9/2018, Fed đã tăng lãi suất lần thứ ba kể từ đầu năm 2018 đến nay và dự định tăng thêm một lần nữa vào tháng 12/2018. Ngoài ra, Fed cũng dự kiến tăng lãi suất ba lần trong năm 2019 và một lần trong năm 2020.
Trong khi đó, lượng vàng mà quỹ đầu tư vàng SPDR Gold Trust lớn nhất thế giới nắm giữ trong ngày 12/10 đã tăng 0,76% lên 744,64 tấn.
Nhu cầu vàng vật chất của Ấn Độ - quốc gia mua vàng hàng đầu thế giới - đã "hạ nhiệt" trong tuần qua khi giá vàng trong nước tăng đã hạn chế sức mua của những khách hàng nhỏ lẻ, trong khi sức mua kim loại quý này ở các thị trường lớn khác ở châu Á vẫn “lình xình”.