Chốt phiên giao dịch ngày 23/9, VN-Index giảm 11,42 điểm xuống 1.203,28 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 485,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 11.293 tỷ đồng. Toàn sàn có 162 mã tăng giá, 287 mã giảm giá và 77 mã đứng giá.
HNX- Index giảm 1,2 điểm xuống 264,44 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 60,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.163,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 104 mã giảm giá và mã đứng giá.
UPCOM - Index tăng 0,04 điểm lên 88,59 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 62,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 767,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 208 mã tăng giá, 139 mã giảm giá và 101 mã đứng giá.
Trong bối cảnh hầu hết các nhóm cổ phiếu giảm điểm thì nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm và dầu khí diễn biến rất tích cực. Tại nhóm cổ phiếu bảo hiểm, duy nhất BLI giảm giá. Các mã BMI và MIG tăng kịch trần. Các mã VNR tăng 7,9%, BVH tăng 5,8%, BIC tăng 4,1%, AIC tăng 3,7%, BVI tăng 3,5%, ABI tăng 3,1%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chỉ còn duy nhất PLX giảm giá. Các mã GAS, BSR, OIL, PVB, PVC, PTV, PVE đồng loạt tăng; trong đó, PVB tăng kịch trần.
Tuy nhiên, với sự giảm giá của các cổ phiếu đầu ngành và nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chìm trong sắc đỏ khiến chỉ số không có cơ hội nào bật lên.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 27 mã giảm giá và chỉ có 2 mã tăng giá, 1 mã đứng ở tham chiếu. Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ có 5 mã tăng giá, trong khi có tới 20 mã giảm giá. Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn lác đác vài mã giữ được sắc xanh. Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhóm bất động sản như: VIC, VHM, VRE, KDH, NVL đều ở chiều giảm giá.
Khối ngoại phiên hôm nay bán ròng khá mạnh tạo thêm áp lực giảm điểm cho thị trường. Theo đó, khối ngoại bán ròng gần 331 tỷ đồng trên HOSE; 49,54 tỷ đồng trên UPCOM và 4,18 tỷ đồng trên HNX.
Thực tế, thị trường ảm đạm trong cả phiên hôm nay, sau thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Đây là lần đầu tiên sau hai năm, Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn.
Cụ thể, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5% một năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5% một năm.
Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,2% lên 0,5% một năm. Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 5% một năm và 3,5% một năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng tăng từ 5% lên 6% một năm.
Động thái nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nhằm hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ.
Việc Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành cho thấy, nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại không còn rẻ cũng như hạn chế thanh khoản tiền đồng trên thị trường.