Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 505,44 điểm (1,55%), xuống 32.147,76 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 96,41 điểm (2,5%), xuống 3.759,69 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 366,05 điểm (3,36%), xuống 10.524,80 điểm.
Trong một phiên giao dịch đầy biến động, các chỉ số mở cửa tăng điểm sau khi Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp nhằm cố gắng kiềm chế đà tăng cao của lạm phát. Hiện lãi suất của Fed đã tăng lên mức 3,75%-4%.
Tác động của việc tăng lãi suất ban đầu được hạn chế bằng các dấu hiệu mới cho thấy Fed đang lưu ý đến ảnh hưởng của việc tăng lãi suất quá lớn đối với nền kinh tế. Các nhà đầu tư hy vọng Fed sẽ phát tín hiệu sẵn sàng bắt đầu giảm bớt quy mô các đợt tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 12 tới.
Tuy nhiên, nhận định từ Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng còn "quá sớm" để nghĩ đến việc tạm dừng tăng lãi suất đã khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Sau đợt phục hồi mạnh mẽ vào tháng 10, chứng kiến chỉ số Dow Jones đạt mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1976 và S&P phục hồi khoảng 8%, ba chỉ số chính trên Phố Wall đã quay đầu giảm điểm trong ba phiên liên tiếp. Mức giảm hôm 2/11 là mức giảm tính theo phần trăm lớn nhất đối với S&P 500 kể từ ngày 7/10.
Chỉ số S&P 500 đã giảm nhẹ trước khi Fed công bố chính sách, do báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP cho thấy các công ty tư nhân tuyển dụng nhiều lao động hơn dự kiến trong tháng 10/2022, tạo thêm lý do để Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất tích cực.
Trước đó, báo cáo khảo sát cơ hội việc làm và luân chuyển lao động (JOLTS) của Mỹ được công bố ngày 1/11 cũng truyền tải thông điệp về một thị trường lao động thắt chặt bất chấp chính sách thắt chặt quyết liệt của Fed.
Các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về thị trường lao động Mỹ sau báo cáo việc làm tháng 10, dự kiến công bố ngày 4/11 tới.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 2/11, chỉ số VN - Index giảm 10,56 điểm (1,02%) xuống 1.023,19 điểm. HNX - Index cũng để mất 0,7 điểm (0,33%) xuống 211,66 điểm.