Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - hội đồng gồm các quan chức FED chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ - đã quyết định nâng biên độ lãi suất cho vay cơ bản của FED lên khoảng 3,75 đến 4%. Đây là lần tăng 0,75 điểm % thứ tư liên tiếp do FED đưa ra và là lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng 3/2022.
Trong thông báo sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, FED nhấn mạnh quyết định tiếp tục tăng lãi suất “sẽ là phù hợp” để đạt được mức độ kiểm soát cần thiết nhằm kiềm chế lạm phát, song cơ quan này sẽ cân nhắc tác động đối với nền kinh tế khi đưa ra các quyết định tiếp theo.
Bình luận về thông báo của FED, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đánh giá quyết định tăng lãi suất sẽ giúp giảm lạm phát, trong đó, việc tăng lãi suất vay thế chấp sẽ góp phần làm dịu tình trạng giá nhà tăng cao. Nhà Trắng cũng khẳng định tiếng nói độc lập của FED và lưu ý về sự tin tưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng cơ quan này có những “chính sách tiền tệ tốt nhất” để giải quyết vấn đề lạm phát.
Đúng như các dự báo trước đó, sau tuyên bố của FED, đồng USD đã giảm giá, trong khi các ngoại tệ khác đi lên. Đồng yen của Nhật Bản đã tăng giá 1,42% trong ngày lên mức 146,21 yen đổi 1 USD. Đồng euro tăng 0,73% trong ngày lên mức 1 euro đổi 0,9946 USD.
Khi FED tăng biên độ lãi suất cho vay cơ bản, lãi suất đối với các khoản thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản vay khác cũng tăng theo. Chi phí đi vay cao hơn có xu hướng kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế do các hộ gia đình và doanh nghiệp có ít tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. Lần tăng lãi suất mới nhất của FED sẽ gây thêm áp lực tài chính lớn hơn đối với nền kinh tế Mỹ - hiện ở trong quá trình phục hồi nhưng với tốc độ chậm lại, khiến một số chuyên gia tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà suy thoái.
Việc FED tăng lãi suất nhanh chóng đã khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút vốn đầu tư, 2 yếu tố chủ chốt có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Mức lãi suất cao hơn của FED cũng làm tăng thêm bất ổn kinh tế ở nước ngoài, và tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nước Mỹ. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn ở mức cao do thị trường việc làm mạnh mẽ của Mỹ giúp hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng; bên cạnh đó, những “cú sốc” về nguồn cung đang tiếp tục đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao.