Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ ngày 11/5 công bố báo cáo cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 4 vừa qua tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là tháng thứ 2 liên tục trong năm nay lạm phát vượt 8%. Thực tế này khiến giới đầu tư tiếp tục phải lo lắng về khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ sau đại dịch COVID-19.
Chốt phiên 11/5, cả 3 chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ đều giảm điểm, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq Composite có mức giảm mạnh nhất (3,2%), còn 11.364,24 điểm. Nguyên nhân là do giá cổ phiếu của một loạt các hãng công nghệ lớn như Apple, Meta - công ty chủ quản của Facebook, sụt giảm mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1% xuống 31.834,11 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,7% xuống 3.935,18 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu lại tràn ngập sắc Xanh. Chứng khoán Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) tăng hơn 2%, chứng khoán London (Anh) tăng 1,7%.
Phản ứng của thị trường chứng khoán châu Âu cho thấy giới đầu tư trong khu vực đang đặc biệt phấn khởi trước thông tin Ngân hàng trung ương châu Âu có thể lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua tăng lãi suất cơ bản từ mức thấp kỷ lục vào tháng 7 tới.
* Giá dầu thế giới đã tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 11/5 và khôi phục gần với mức giá hồi đầu tuần.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 tăng 5,95 USD (6%), lên 105,71 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 7 tăng 5,05 USD (4,9%) lên gần 107,51 USD/thùng.
Trong 2 phiên trước đó, giá dầu WTI và Brent đều giảm khoảng 9%. Việc giá dầu đột ngột tăng trở lại là do quan ngại về nguồn cung kéo dài sau khi Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu mỏ của Nga.