Các nhà phân tích dự báo thị trường chứng khoán sẽ còn tiếp dục dao động mạnh, bất chấp những nỗ lực trấn an thị trường của chính phủ và các ngân hàng trung ương.
Trong phiên giao dịch sáng 17/3, các thị trường chứng khoán châu Âu đã tăng khoảng 5% giá trị, trước khi tiếp tục giảm điểm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Sydney (Australia) đã chốt phiên giao dịch với mức tăng 5,8%, một ngày sau khi giảm ở mức kỷ lục là 9,7%.
Tại châu Á, thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,3% giá trị trong khi các thị trường khoán tại Seoul (Hàn Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Wellington (New Zealand) đều giảm điểm.
Đáng chú ý, theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, chiều 17/3, chỉ số tổng hợp Jakarta (JCI) - thước đo chính của Sở giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) - giảm 5% về gần mức thấp nhất trong vòng 5 năm là 4.456,10 điểm, khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ra số cổ phiếu trị giá 1.001 tỷ Rupiah (66,9 triệu USD). Đà giảm này đã kích hoạt cơ chế ngắt mạch tự động trong 30 phút theo quy định của IDX được ban hành ngày 11/3 vừa qua.
Đây là lần thứ ba thị trường chứng khoán Indonesia đã phải tạm ngừng giao dịch trong vòng một tuần. Sau khi mở cửa trở lại, chỉ số chứng khoán tiếp tục lao xuống mức 4.448,98 điểm, giảm 5,1% và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015. Những lo ngại về tác động của dịch bệnh đã khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và trái phiếu, dẫn đến đồng nội tệ của Indonesia bị mất giá 1,5% xuống mức 15,172 Rupiah/1USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018.
Trong khi đó, một số thị trường khác tại châu Á lại ghi nhận những tín hiệu tích cực khi duy trì sắc xanh trong suốt ngày giao dịch. Cụ thể, thị trường khoán Tokyo (Nhật Bản), Hong Kong (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ) đều chốt phiên giao dịch với mức tăng lần lượt là 0,1%, 0,9% và 0,7%.
Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một ngày giao dịch tồi tệ khi chứng kiến mức giảm sâu nhất kể từ năm 1987 sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giới lập pháp và chính quyền có những bước đi chưa từng có nhằm giảm thiểu những tác động xấu do dịch COVID-19 gây ra với nền kinh tế số một thế giới.
Sáng 17/3 (giờ Việt Nam), kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số S&P 500 đã giảm 12%, mất 324,89 điểm xuống còn 2.6.13 điểm. Đây là mức giảm lớn nhất của chỉ số này kể từ tháng 12/2018 và là mức giảm lớn thứ ba sau các mức giảm của ngày "Thứ Hai đen tối" năm 1987 và tháng 10/2029.
Cùng ngày, hãng đánh giá tín nhiệm S&P Global cảnh báo tình trạng dừng kinh tế đột ngột do những biện pháp kiềm chế dịch COVID-19 sẽ dẫn tới sự suy thoái toàn cầu trong năm nay và có thể khiến tỷ lệ vỡ nợ của các tập đoàn Mỹ tăng hơn 10% trong 12 tháng tiếp theo. Theo S&P Global, sự sụt giảm luồng tiền mặt, những điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn và cú sốc giá dầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng trả nợ của các công ty.