Cụ thể, trong phiên đầu tuần 14/11, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều đi xuống, khi sự hưng phấn trên thị trường chứng khoán từ cuối tuần trước đã giảm dần sau những cảnh báo mới rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn là một nhiệm vụ khó khăn chưa thể giành thắng lợi.
Sang đến phiên tiếp theo, thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều đi lên, nhờ báo cáo được công bố hôm 15/11 cho thấy giá bán buôn tại Mỹ - thể hiện qua Chỉ số giá sản xuất (PPI) - đã tăng chậm hơn nhiều so với dự kiến của các nhà quan sát.
Phiên 16/11 ghi nhận các chỉ số giảm điểm, khi triển vọng kinh doanh ảm đạm từ nhà bán lẻ Target làm dấy lên lo ngại mới về tình hình kinh doanh của mùa lễ hội quan trọng cuối năm nay. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chất bán dẫn khiến chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 1,54%.
Đà giảm nối dài sang phiên 17/11 khi các nhà giao dịch đánh giá các phát biểu mới nhất của các quan chức Fed về lộ trình chính sách của ngân hàng trung ương. Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis, James Bullard, cho biết Fed vẫn có nhiều việc phải làm, do chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến nay chỉ có tác động hạn chế đối với lạm phát. Fed cần tiếp tục tăng lãi suất lên các mức đủ cao để hạ nhiệt lạm phát.
Trong khi đó, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, nói rằng vẫn chưa rõ liệu Fed sẽ tăng lãi suất đến mức nào để đưa cân bằng nhu cầu. Đầu tháng này, Fed đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ tư liên tiếp, lên mức 3,75-4%.
Trong phiên giao dịch cuối tuần (18/11), thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi nhờ báo cáo kết quả kinh doanh tích cực của các nhà bán lẻ như Gap và Foot Locker, trong khi nhà đầu tư cố gắng rũ bỏ những lo ngại liên quan đến việc Fed tăng lãi suất cao hơn.
Cụ thể, trên Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6% lên 33.745,69 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích thêm 0,5% lên 3.965,34 điểm, trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đi ngang và khép phiên ở mức 11.146,06 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones không thay đổi so với tuần trước, S&P 500 giảm 0,69% và Nasdaq giảm 1,57%.
Chuyên gia Patrick O'Hare của trang thông tin tài chính Briefing.com cho biết, tin tốt của các nhà bán lẻ đã xoa dịu một số lo ngại liên quan đến những thông tin tiêu cực hồi đầu tuần này - ví dụ như kết quả kinh doanh đáng thất vọng của nhà bán lẻ Target.
Bất chấp những số liệu tương đối khả quan mới được công bố, các nhà đầu tư vẫn khá thận trọng khi đánh giá triển vọng lãi suất của Mỹ. Tuần vừa qua nhìn chung được coi là tương đối tích cực với các số liệu lạm phát mới công bố của Mỹ yếu hơn dự kiến. Tuy nhiên, báo cáo doanh số bán lẻ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đều tích cực cho thấy khả năng phục hồi bền bỉ của nền kinh tế khi đối mặt với lãi suất cao hơn.
Do đó, "đám mây" lãi suất vẫn phủ bóng trên thị trường sau khi một loạt quan chức Fed nhấn mạnh thông điệp rằng ngân hàng trung ương cần tăng lãi suất nhiều hơn để giảm lạm phát đang gia tăng. Điều này tiếp tục làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chủ tịch chi nhánh Fed tại Boston, bà Susan Collins, ngày 18/11 đã khẳng định quan điểm tương tự, mặc dù bà nhấn mạnh "ý định của ngân hàng trung ương không phải là một cuộc suy thoái tồi tệ."
Nhà phân tích Richard Hunter của công ty tài chính Interactive Investor (Anh) nhận định rằng, nhà đầu tư dường như ngạc nhiên bởi Fed đang lặp đi lặp lại "câu thần chú" của họ, lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng... và có thể duy trì ở mức cao hơn cho đến thời điểm xu hướng lạm phát chậm lại sẽ kéo dài.
Đáng chú ý, trong phiên 18/11, một phần quan trọng của đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo ngược hơn nữa - dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ đình trệ trong năm tới. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 7,7 điểm cơ bản lên 4,531%, cao hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm - đã tăng 5 điểm cơ bản lên 3,823%.
Nhiều chuyên gia dự đoán kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới khi chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và kỳ hạn 10 năm là -71 điểm cơ bản - sự đảo ngược của đường cong lợi suất chưa từng đạt đến độ sâu như vậy ít nhất là từ năm 2000. Khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm thấp hơn so với trái phiếu kỳ hạn 2 năm, nền kinh tế được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm lại hoặc rơi vào suy thoái tồi tệ, và khi đó Fed có thể sẽ giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế.
Hiện nay, tác động của việc tăng lãi suất đã được cảm nhận trong lĩnh vực nhà ở, với doanh số bán nhà sẵn có của Mỹ trong tháng 10/2022 đã giảm kỷ lục trong tháng thứ chín liên tiếp khi lãi suất thế chấp cố định kỳ hạn 30 năm đang ở mức cao nhất trong 20 năm.