Nếu như nửa đầu năm, nhiều nhà đầu tư “thắng đậm” khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá mạnh vượt cả VN-Index, thì bước sang nửa cuối năm lại ngậm ngùi nhìn cổ phiếu ngành khác tăng.
Những lo ngại về nợ xấu, chất lượng tài sản sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được xem là rào cản khiến nhóm cổ phiếu này chỉ đi ngang, thậm chí sụt giảm kể từ mức đỉnh tháng 6.
Dù thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên các dự báo cho thấy ngành này vẫn còn không ít thách thức. Cơ hội và triển vọng của ngành ngân hàng như thế nào trong năm 2022 vẫn đang là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Từ “người hùng” trở thành “tội đồ”
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 1/4 tổng vốn hóa thị trường, do đó diễn biến giá của nhóm cổ phiếu này tác động khá lớn đến đà tăng của chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng cho diễn biến thị trường nửa đầu năm 2021.
Đầu tháng 4/2021, sau nhiều lần kiểm định và giằng co, chỉ số VN-Index chính thức vượt ngưỡng kháng cự mạnh nhất, thiết lập mức đỉnh lịch sử 1.200 điểm. “Công thần” dẫn sóng trong đợt này chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng có xu hướng tăng kể từ cuối tháng 1/2021 với thị giá và thanh khoản tăng mạnh. Trong đó, phải kể đến những cái tên như SSB, VPB, STB, MSB, VIB, SHB, HDB…
“Tân binh” SSB (Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank) chỉ mới gia nhập sàn HOSE kể từ ngày 24/3, thế nhưng đã ghi vào kỷ lục ngành này khi có 6 phiên tăng trần liên tiếp ngay sau khi niêm yết. Tính đến cuối tháng 12, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 200% và phần lớn đà tăng này rơi vào khoảng thời gian nửa đầu năm.
Cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng ghi nhận giao dịch tích cực trong nửa đầu năm nay, với thị giá tăng trên 80%. Trong phiên giao dịch ngày 30/3, thanh khoản cổ phiếu STB ghi nhận tới gần 100 triệu đơn vị - mức kỷ lục khủng nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết trên HOSE vào năm 2006.
Các cổ phiếu đầu ngành như VCB, BID tuy cũng ghi nhận nhịp tăng trong nửa đầu năm nhưng biên độ khiêm tốn hơn nhiều so với các cổ phiếu khác.
Trái ngược với bức tranh sôi động nửa đầu năm, giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên “ảm đạm” hơn kể từ đầu tháng 7. Ngay cả khi chỉ số VN-Index vượt các mốc đỉnh lịch sử quan trọng như 1.400 điểm hay 1.500 điểm, cũng không có bóng dáng dẫn sóng của nhóm cổ phiếu vốn được mệnh danh là cổ phiếu “vua” trên thị trường chứng khoán như trước đó.
Ngoại trừ một số mã có câu chuyện riêng, hầu hết cổ phiếu ngân hàng chỉ đi ngang hoặc sụt giảm kể từ tháng 7 đến nay. Ngay cả STB - một trong những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất trong năm 2021 (khoảng 180 triệu USD, tính đến đầu tháng 12/2021), song thị cổ phiếu này cũng nằm trong xu hướng sụt giảm mạnh kể từ tháng 7 theo xu hướng chung của nhóm ngân hàng.
Nhìn lại diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Phát triển khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền rất tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, đẩy thị giá cổ phiếu ngân hàng lên rất cao, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài tăng giá, định giá cổ phiếu ngân hàng không còn rẻ. Bên cạnh đó, trong năm 2021, có rất nhiều ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu, hay trả cổ phiếu thưởng… đã tạo nên áp lực về số lượng cổ phiếu ngân hàng lưu hành trên thị trường, qua đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Theo ông Đức, trong thời gian tới, cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ tích lũy một thời gian nữa để những yếu tố trên qua đi và những câu chuyện mới xảy ra như tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn, kinh doanh phục hồi, rủi ro nợ xấu thấp đi... Qua đó, định giá của cổ phiếu ngân hàng có thể trở nên hợp lý hơn, kéo theo dòng tiền quay trở lại nhóm ngành này.
Cơ hội nào trong năm 2022?
Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, mặc dù trong năm 2021, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực nên nhiều hoạt động kinh tế, song hệ thống ngân hàng cơ bản vẫn hoạt động tương đối ổn định. Dự kiến lợi nhuận của ngành tăng khoảng 25% trong năm nay. Bước sang năm 2022, ngành ngân hàng vẫn có nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức, do ảnh hưởng của đại dịch lên ngành có độ trễ nhất định.
Đề cập đến các điểm thuận lợi, vị chuyên gia này cho biết, trong năm 2022, nền kinh tế được dự báo phục hồi đáng kể sau khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, điều này sẽ kéo theo nhu cầu tín dụng phục hồi. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nhất là mảng dịch vụ bán lẻ… của các ngân hàng đang diễn ra rất tích cực, giúp ngân hàng gia tăng nguồn thu nhập ngoài lãi.
Mặt khác, do lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tăng trưởng trong 2 năm đại dịch bùng phát, cộng thêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng giãn hoãn nợ mà chưa chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đã giúp hệ thống ngân hàng có điều kiện củng cố dự phòng rủi ro. Nếu trước khi dịch bùng phát, tỷ lệ bao nợ xấu của các ngân hàng chỉ ở mức khoảng 70-80%, thì đến nay đã lên 130%.
“Trong năm 2022, nợ xấu của các ngân hàng có thể sẽ tăng lên, do nhiều doanh nghiệp tiếp tục ngấm đòn, ngân hàng có những khoản phải hạch toán hoặc phải chuyển nhóm nợ cho sát với thực tế hơn. Tuy nhiên, với việc trích lập dự phòng vừa qua, hệ thống ngân hàng có đủ lực để ứng phó với rủi ro trong 1-2 năm tới”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết.
Chưa kể, nếu nền kinh tế phục hồi tốt, khả năng nợ xấu sẽ giảm nhiệt hơn trong thời gian tới. Các ngân hàng theo đó sẽ có nguồn lực để phát triển lành mạnh hơn. Tuy vậy, do độ trễ của dịch bệnh lên ngành, ông Lực dự báo, lợi nhuận của ngành ngân hàng chỉ tăng ở mức 15-20%, khó có thể tăng mạnh như 6 tháng đầu năm nay.
Ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, dù trong nửa đầu 2021 thu nhập ngành ngân hàng tăng 20% so với cùng kỳ, song chất lượng quản lý tài sản chưa giải quyết được vấn đề thất thoát tín dụng trước tác động của COVID-19.
Theo ông Matthew Smith, dù tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đang được kiểm soát ở mức thấp, nhưng chưa phản ánh đầy đủ do một số khoản nợ đã được cơ cấu theo quy định. Do đó, trong năm 2022, việc tái cơ cấu lại những khoản nợ này sẽ gây biến động mạnh tới thị trường ảnh hưởng đến giá cổ phiếu mảng này.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng cho rằng, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng lãi suất trong năm 2022, tỷ suất sinh lợi từ các khoản vay theo đó vẫn còn tích cực. Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn sẽ phát triển mạnh nhờ việc đẩy mạnh kinh doanh bảo hiểm. Nhiều ngân hàng đã tập trung vào số hóa, nên chi phí hoạt động nhìn chung sẽ không tăng nhiều, biên lợi nhuận vẫn giữ khá tốt. Qua đó, khả năng sẽ bù đắp được thất thoát trong tín dụng.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc vào năm 2022 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ. Ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, qua phân tích dòng tiền, VNDirect cho biết, thanh khoản thị trường tăng ổn định từ đầu năm đến nay, do bối cảnh môi trường lãi suất huy động thấp. Xu hướng này dự báo sẽ còn kéo dài đến năm 2022, được hỗ trợ bởi số lượng tài khoản cá nhân mở mới ngày càng tăng. Với việc chiếm 1/4 giá trị vốn hóa thị trường, ngành ngân hàng được xem là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ sự tham gia ngày càng tăng của các nhà đầu tư cá nhân.
Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán cũng dự đoán tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng nhiều khả năng chậm lại trong vài quý tới.
Do đó, cổ phiếu của các ngân hàng có khả năng đẩy mạnh tín dụng hoặc nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi. Các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào… được xem là sự lựa chọn hợp lý dành cho nhà đầu tư yêu thích nhóm cổ phiếu này trong năm 2022.