Các nhà đầu tư đã hồi hộp cả tuần qua trong khi chờ đợi bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Powell tại hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương ở Jackson Hole, Wyoming. Các nhà giao dịch hy vọng rằng ông Powell sẽ đưa ra tín hiệu rõ ràng hơn về vấn đề lãi suất sắp tới sau khi có những dữ liệu được công bố hồi đầu tháng này đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái và làm chao đảo thị trường. Fed sẽ công bố quyết định lãi suất tiếp theo vào ngày 18/9.
Ông Powell đã không khiến các nhà đầu tư thất vọng. Ông cho biết thời điểm để điều chỉnh chính sách đã đến, ông cũng tin tưởng rằng lạm phát đang trên con đường bền vững trở lại mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Hướng đi đã rõ ràng, và thời điểm cũng như tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu mới nhận được.
Chứng khoán phố Wall đã giao dịch ở vùng dương suốt cả phiên giao dịch, với chỉ số S&P 500 kết thúc phiên tăng 1,2%. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,1% lên 41.175,08 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,2% lên 5.634,61 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,5% lên 17.877,79 điểm.
Các thị trường chứng khoán chính của châu Âu cũng đóng cửa với mức tăng. Chỉ số FTSE 100 của London (Vương quốc Anh) tăng 0,5% lên 8.327,78 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris (Pháp) tăng 0,7% lên 7.577,04 điểm. Còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tăng 0,8% lên 18.633,10 điểm.
Fed đã duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm sau khi tăng lãi suất lên mức từ 5,25%-5,50% nhằm đối phó với lạm phát, vốn đã hạ nhiệt, trong khi các ngân hàng trung ương ở châu Âu bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Đồng USD, vốn thường có giá trị cao hơn khi chi phí vay tăng cao, đã giảm giá so với đồng euro, bảng Anh và yen Nhật. Những đồng tiền này cũng tăng giá sau khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda báo hiệu rằng có thể sẽ tăng lãi suất một lần nữa.
Ngày 23/8, Thống đốc Kazuo Ueda đã nói với các nhà lập pháp Nhật Bản rằng BoJ có thể tăng lãi suất lần nữa nếu lạm phát và tình hình kinh tế diễn ra theo đúng dự đoán, và đồng yen đã tăng giá so với đồng USD sau phát biểu của ông.
Thị trường chứng khoán thế giới tuần qua đã trải qua những biến động khá phức tạp, chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau, chủ yếu xoay quanh kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed.
Trong phiên đầu tuần 19/8, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm, tiếp nối xu hướng lạc quan của tuần trước. Thị trường đang chờ đợi kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ Mỹ và những bình luận của các quan chức Fed về chính sách lãi suất.
Dữ liệu tích cực tuần trước đã làm dịu những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ sau khi thị trường bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng này do lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế và việc Nhật Bản tăng lãi suất.
Kết quả kinh doanh từ các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn tại Mỹ như Target, Lowe's và TJX trong tuần này sẽ cung cấp thêm thông tin về tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau dữ liệu bán lẻ khả quan vào tuần trước.
Tuy nhiên, không có nhiều động lực để tiếp tục đẩy giá chứng khoán đi lên trong phiên ngày 20/8. Chiến lược gia Joe Mazzola tại công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab cho biết thị trường chứng khoán dường như đang trong trạng thái chờ đợi trước khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố vào 21/8 và loạt báo cáo kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ.
Kỳ vọng Fed hạ lãi suất giúp nâng đỡ chứng khoán Âu-Mỹ phiên ngày 21/8. Thị trường tiếp tục đặt cược vào một đợt cắt giảm lãi suất trong tháng Chín sau biên bản cuộc họp gần nhất của Fed. Theo biên bản đó, phần lớn các nhà hoạch định chính sách bày tỏ ủng hộ cắt giảm lãi suất nếu các số liệu kinh tế như mong đợi.
Các nhà phân tích nhận định thị trường việc làm suy yếu là động lực thúc đẩy khả năng cắt giảm lãi suất của Fed, mặc dù vẫn có hy vọng về cái gọi là "hạ cánh mềm" giúp ngăn chặn suy thoái ở Mỹ.
Theo số liệu được Hiệp hội Bất động sản quốc gia (NAR), doanh số bán nhà qua sở hữu của Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến vào tháng 7/2024, đảo ngược xu hướng giảm liên tiếp trong 4 tháng trước đó. Cùng với đó, nguồn cung được cải thiện và lãi suất thế chấp giảm mang lại kỳ vọng thị trường có thể phục hồi trong những tháng tới.
Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, doanh số bán nhà đã qua sở hữu tăng 1,3% trong tháng 7, lên mức 3,95 triệu căn, cao hơn mức dự báo được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra trước đó là 3,93 triệu căn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 7, doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà tại Mỹ, lại giảm 2,5%. Giá nhà đã qua sở hữu trung bình tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 422.600 USD/căn.
Trong khi đó, tồn kho nhà ở đã qua sở hữu tăng 0,8% lên mức 1,33 triệu căn vào tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung đã tăng 19,8%. Tuy nhiên, nhà ở giá rẻ vẫn khan hiếm và không có đủ công trình xây dựng mới. Tuần trước, chính phủ đã báo cáo hoạt động xây dựng nhà ở gia đình đơn lập đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng vào tháng 7, trong khi giấy phép xây dựng trong tương lai giảm nhẹ.
Với tốc độ bán hàng của tháng 7, sẽ mất khoảng 4 tháng để bán hết lượng nhà hiện có, tăng so với mức 3,3 tháng của cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung từ 4 đến 7 tháng được coi là cân bằng lành mạnh giữa cung và cầu.
Dữ liệu từ công ty tài chính thế chấp Freddie Mac cũng cho thấy lãi suất trung bình của khoản vay thế chấp cố định 30 năm đã giảm xuống mức 6,46% trong tuần kết thúc vào ngày 22/8, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023, từ mức 6,49% của tuần trước đó.
Theo nhà kinh tế trưởng Sam Khater của Freddie Mac, mặc dù lãi suất đã giảm đều đặn, nhưng vẫn chưa đủ để thúc đẩy những người mua nhà tiềm năng, và có thể cần giảm thêm 1% nữa để tạo ra nhu cầu của người mua. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Lawrence Yun của NAR, đánh giá mặc dù có mức tăng khiêm tốn, song doanh số bán nhà vẫn chậm chạp.
Trong khi đó, tăng trưởng việc làm hàng năm của Mỹ tính đến tháng 3/2024 không như kỳ vọng ban đầu. Ước tính về tổng số việc làm được tạo thêm trong giai đoạn từ tháng 4/2023-3/2024 đã được Bộ Lao động Mỹ điều chỉnh giảm 818.000 việc làm so với báo cáo ban đầu. Việc điều chỉnh này đã khiến mức tăng trưởng việc làm trung bình hàng tháng trong giai đoạn này giảm xuống còn 174.000 việc làm/tháng, so với mức 242.000 việc làm được báo cáo trước đó.
Tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực tư nhân cũng được điều chỉnh giảm 819.000 việc làm so với ước tính trước đó, trong khi tăng trưởng việc làm trong các cơ quan chính phủ về cơ bản không thay đổi. Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, báo cáo sửa đổi của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lĩnh vực tư nhân và các cơ quan chính phủ nước này đã tuyển dụng khoảng 157,3 triệu lao động trong giai đoạn từ tháng 4/2023-3/2024, giảm so với mức 158,1 triệu việc làm được báo cáo trước đó.
Lĩnh vực dịch vụ và kinh doanh chứng kiến mức điều chỉnh giảm lớn nhất, với mức giảm 358.000 việc làm, tương đương 1,6 điểm % so với ước tính trước đó, tiếp theo là ngành giải trí và khách sạn với 150.000 việc làm bị điều chỉnh giảm. Lĩnh vực sản xuất chứng kiến mức điều chỉnh giảm 115.000 việc làm. Một số ít ngành chứng kiến mức điều chỉnh tăng bao gồm giáo dục tư nhân và dịch vụ y tế tăng 87.000 việc làm, vận tải và kho bãi tăng 56.400 và tiện ích tăng 1.700.
Dữ liệu của Bộ Lao động sẽ tiếp tục được điều chỉnh cho đến khi báo cáo chuẩn cuối cùng được công bố vào tháng 2/2025. Tuy nhiên bản sửa đổi cuối cùng thường không khác nhiều so với các bản sửa đổi sơ bộ.
Làn sóng chốt lời gia tăng khiến cả ba chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall đều đi xuống trong phiên 22/8, giữa đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ và lợi suất trái phiếu tăng khi mối lo ngại về suy thoái giảm bớt.
Nhà phân tích Patrick O'Hare của trang phân tích về thị trường chứng khoán Briefing.com cho rằng sự sụt giảm trên là phản ứng tự nhiên trong một thị trường có khối lượng giao dịch thấp sau đà tăng của thị trường trong những ngày gần đây.
Nhìn chung thị trường chứng khoán thế giới trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục biến động mạnh. Nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với những rủi ro và nắm bắt các cơ hội.