Trong phiên giao dịch sáng 20/10, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 0,5% xuống 31.266,84 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) "bốc hơi" 0,7% còn 17.174,40 điểm, trong khi chỉ số Shanghai - Composite giảm 0,4% xuống còn 2.993,92 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng "đỏ sàn" trong phiên giao dịch ngày 19/10. Khép phiên này, cả 3 chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ đều ghi nhận mức giảm trong khoảng 0,8 - 1%.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chốt phiên giao dịch ngày 19/10, chỉ số FTSE trên thị trường chứng khoán London (Vương quốc Anh) giảm 1,2% xuống 7.499,53 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường dầu mỏ, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 0,8%, lên mức 92,15 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1% lên 89,26 USD/thùng. Theo đánh giá của chuyên gia Vandana Hari thuộc hãng phân tích thị trường năng lượng toàn cầu Vanda Insights, giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ vẫn có thể tăng mạnh trong bối cảnh leo thang xung đột Israel - Hamas.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 5% - mức cao nhất kể từ năm 2007, kéo theo những quan ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới nhằm kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 19/10 nhận định lạm phát của nước này vẫn ở mức quá cao dù đã giảm gần đây, điều này có thể dẫn đến một đợt tăng lãi suất mới.
Từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã thực hiện 11 đợt tăng lãi suất, đưa chỉ số này lên mức cao nhất trong 22 năm, nhằm giảm lạm phát về mức mục tiêu 2% trong dài hạn. Dù lạm phát đã giảm mạnh trong 12 tháng qua nhưng vẫn trên mức mục tiêu. Gần đây, Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, tháng trước, hầu hết các quan chức Fed đều cho rằng cần tiếp tục tăng lãi suất thêm một đợt nữa trong năm nay.