Đây là ngày thứ 3 liên tiếp các chỉ số chứng khoán thế giới giảm điểm.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/5, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), đều giảm điểm.
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Tokyo giảm 1,7% xuống còn 19.914,78 điểm, chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong giảm 1,5% xuống còn 23.829,74, trong khi chỉ số Shanghai Composite trên thị trường Thượng Hải giảm 1%, chốt phiên ở mức 2.870,34 điểm.
Cùng chung đà mất điểm, thị trường chứng khoán Seoul giảm 0,8%, trong khi thị trường chứng khoán Jakarta (Indonesia) giảm 0,9%. Đặc biệt, thị trường chứng khoán Mumbai (Ấn Độ) mất tới hơn 2% và thị trường chứng khoán Sydney (Australia) giảm 1,7% sau khi thống kê cho thấy khoảng 600.000 người dân nước này mất việc làm trong tháng 4 và Thủ tướng Scott Morrison cảnh báo nguy cơ thiệt hại kinh tế lớn hơn.
Trong khi đó, mở phiên giao dịch ngày 14/5, các chỉ số chứng khoán chính của châu Âu cũng giảm tới 1,5% khi các nhà đầu tư tiếp tục tìm nơi trú ẩn an toàn vào trái phiếu chính phủ. Chỉ số FTSE 100 trên thị trường London giảm 1,3% xuống còn 5.828,27 điểm, trong khi chỉ số DAX trên thị trường Frankfurt (Đức) mất 124,62 điểm, tương đương 1,18% xuống còn 10.418,04 điểm.
Tỷ giá đồng bảng Anh so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày 14/5 đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 5 tuần qua. Cụ thể, 1 đồng bảng Anh đổi được 1,2182 USD.
Giới phân tích nhận định chứng khoán thế giới "đỏ sàn" sau khi người đứng đầu FED Jerome Powell cảnh báo "tổn hại kéo dài" đối với nền kinh tế Mỹ do các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19 cũng như những quan ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Trong khi đó, giá dầu đã tăng tới hơn 2% khi các nước bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, kéo theo những hy vọng về nhu cầu dầu mỏ tăng. Cụ thể giá dầu ngọt nhẹ giao ngay West Texas tăng 2,4% lên 25,9 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 2,6% lên 29,95 USD/thùng.