Bên cạnh đó, những phát biểu mang tính trấn an từ Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell rằng ngân hàng trung ương này sẽ duy trì lãi suất thấp trong khi vẫn kiềm chế được lạm phát cũng giúp "cổ vũ" thị trường.
Thị trường Phố Wall kết thúc phiên 24/2 trong sắc xanh sau đà mất điểm ban đầu, với chỉ số công nghiệp Dow Jones lại đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới và chỉ số công nghệ Nasdaq phục hồi sau 2 ngày giảm. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 1,4% lên 31.961,86 điểm, mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tiến thêm 1,1% lên 3.925,43 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1% và khép phiên ở mức 13.597,87 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau lên điểm, sau hầu hết thời gian của phiên giao dịch ở trong vùng giảm điểm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 0,5% lên 6.658,97 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 0,8% lên 13.976,00 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 0,3% và đạt mức 5.797,98 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này cũng tăng 0,4% và khép phiên ở mức 3.705,23 điểm.
Yếu tố chính giúp nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư trong phiên này là việc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có vẻ đã sẵn sàng phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 do hãng Johnson & Johnson phát triển.
*Giá dầu thế giới leo lên mức cao nhất trong 13 tháng, sau khi Chính phủ Mỹ công bố số liệu cho thấy sản lượng dầu thô tại nước này giảm do thời tiết khắc nghiệt làm gián đoạn sản xuất.
Khép phiên giao dịch ngày 24/2, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,67 USD (2,6%) lên 67,04 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent Biển Bắc đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020 là 67,30 USD/thùng trong phiên này. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,55 USD (2,5%) lên 63,22 USD/thùng, sau khi đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2020 là 63,37 USD/thùng trong phiên này.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của nước này tuần trước đã giảm khoảng hơn 10%, tương đương 1 triệu thùng/ngày, do thời tiết lạnh giá làm ảnh hưởng đến nguồn điện cung cấp cho các gia đình và các cơ sở sản xuất.. Đây là mức giảm hằng tuần lớn nhất từ trước đến nay, theo đó lượng dầu thô đầu vào cho các nhà máy lọc dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008.
Giá dầu đã tăng khoảng 30% kể từ đầu năm 2021 đến nay cũng một phần nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng liên tục của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+.
Các nhà sản xuất dầu thuộc OPEC+ sẽ thảo luận việc nới lỏng dần các hạn chế nguồn cung dầu từ tháng 4/2021 nhờ giá mặt hàng này phục hồi, mặc dù một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên thỏa thuận cắt giảm hiện nay vì những nguy cơ mới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.