Chứng khoán thế giới phân hóa trong phiên 24/3

Chứng khoán Âu – Mỹ chuyển động ngược chiều trong phiên 24/3, khi các nhà đầu tư tập trung theo dõi hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh của nước này.

Chú thích ảnh
Hoạt động giao dịch tại sàn chứng khoán New York, Mỹ, ngày 15/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trên thị trường Phố Wall, cả ba chỉ số chính đều tăng hơn 1%. Khép phiên 24/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1% lên 34.707,94 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,4% lên 4.520,16 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite khép phiên ở mức 14.191,84 điểm với mức tăng 1,9%.   

Ngược lại, các thị trường chứng khoán ở bên kia bờ Đại Tây Dương đa phần đi xuống. Theo đó, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,1% xuống 14.273,79 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,4% xuống 6.555,77 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,2% xuống 3.863,39 điểm. Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) là điểm sáng hiếm hoi tại châu Âu trong phiên này, khi vẫn tiến 0,1% lên 7.467, điểm.
 
Các nhà lãnh đạo Mỹ cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ vào ngày 24/3. Tại hội nghị, Mỹ thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nhiều cá nhân Nga, đồng thời công bố các biện pháp hợp tác với đồng minh nhằm hạn chế khả năng nước này sử dụng nguồn dự trữ vàng của ngân hàng trung ương để "né" các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Các nhà phân tích cho rằng một phần sức mạnh ở thị trường New York là nhờ vào mặt trận thống nhất được thể hiện ở Brussels, trong đó ông Biden mô tả NATO "chưa bao giờ đoàn kết hơn hiện nay" để phản đối các hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chậm lại trong tháng 3/2022, theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường S&P 500 được công bố hôm 24/3. Diễn biến này là do giá cao và triển vọng ảm đạm khi có ngày càng nhiều lo ngại rằng tình hình Ukraine có thể dập tắt đà phục hồi kinh tế của khu vực.

Trở lại với Mỹ, các nhà đầu tư đã được cổ vũ bởi số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tuần kế thúc vào ngày 6/9/1969.

Tại thị trường Việt Nam, kế thúc phiên 24/3, chỉ số VN-Index giảm 4,08 điểm xuống 1.498,26 điểm, trong khi chỉ số HNX- Index tăng 0,7 điểm lên 462,8 điểm.

H.Thủy (TTXVN)
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 24/3
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 24/3

Các thị trường chứng khoán châu Á đi ngược chiều nhau trong phiên chiều 24/3 trong bối cảnh nhà đầu tư đang “nghiên cứu” tác động của lạm phát gia tăng và các ngân hàng trung ương có kế hoạch tăng mạnh lãi suất. Trong khi đó, giá dầu đã giảm song vẫn ở mức cao do lo ngại về các biện pháp trừng phạt của Nga có thể ảnh hưởng đến nguồn cung vốn đã không ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN