Chứng khoán thế giới tràn ngập sắc đỏ

Mở phiên sáng 18/8, chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ chịu tác động của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu. Điều này phản ánh tâm lý lo ngại của giới đầu tư về triển vọng kinh tế trong bối cảnh một loạt thông tin kinh tế ảm đạm tiếp tục bủa vây. 

Chú thích ảnh
Thị trường chứng khoán New York, Mỹ đỏ sàn, ngày 5/5/2022. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Tại Nhật Bản, trong 15 phút giao dịch đầu ngày, chỉ số the Nikkei-225 đã giảm 290, điểm (0,99%), còn 28.932,39 điểm. Chỉ số Topix giảm 15,39 điểm (0,77%) còn 1.991,60 điểm. Tại Hàn Quốc, vào lúc 9h15 (giờ địa phương), chỉ số KOSPI giảm 24,69 điểm (0,98%) còn 2.491,78 điểm. 

Trong khi đó, đà tăng của thị trường chứng khoán New York (Mỹ) trong tháng 7-8 có dấu hiệu chững lại, còn chứng khoán châu Âu chịu nhiều sức ép trước thông tin lạm phát Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua. Cả 3 chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ đều giảm điểm, trong đó Dow Jones giảm 0,5% xuống 33.980,32 điểm, S&P 500 hạ 0,7% xuống 4.274,04 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tuột mất 1,3% xuống 12.9,12 điểm.

Doanh thu bán lẻ của Mỹ đi ngang ở mức 2,8 tỷ USD trong tháng 7 do giá xăng rời các mức kỷ lục trong khi người tiêu dùng Mỹ tăng cường chi tiêu cho đồ nội thất, thực phẩm, đồ điện tử và tại các cửa hàng trực tuyến. Doanh thu và lợi nhuận từ các chuỗi cửa hàng lớn của Mỹ cũng đi ngược nhau, trong đó lợi nhuận của Lowe vượt ước tính, còn lợi nhuận của Target bị sụt giảm mạnh do nhà bán lẻ phải đối mặt với chi phí tăng. Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin báo cáo kinh doanh cũng như hành động của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để có quyết sách đầu tư.

Biên bản cuộc họp gần đây nhất của FED trong tháng 7 vừa qua cho thấy ngân hàng này cam kết tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế giá tăng. Tuy nhiên, nhiều quan chức của FED lo ngại rằng có "nguy cơ" FED đi quá xa khi cố gắng hạ nhiệt nhu cầu để giảm lạm phát hiện đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 40 năm.

Các thị trường châu Âu cũng đi xuống sau số liệu chính thức cho thấy lạm phát ở Anh đã tăng lên mức cao mới trong 40 năm, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ mức 9,4% trong tháng 6 lên 10,1% trong tháng 7.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,3% xuống 7.515,75 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 2% xuống 13.626,71 điểm, còn chỉ số CAC 40 hạ 1% xuống 6.528,32 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 mất 1,3% xuống 3.756,06 điểm.

Hồi đầu tháng 8, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) từng cảnh báo rằng lạm phát của Anh sẽ vượt con số 13% trong năm nay. Đây sẽ là mức cao nhất kể từ năm 1980. BoE cho rằng nước này sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm thay vì vào cuối năm 2023 như dự báo trước đó.

Các nhà đầu tư vẫn trong trạng thái bấp bênh trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thắt chặt có thể đe dọa đẩy các nền kinh tế vào suy thoái.

Nhà phân tích Fawad Razaqzada của City Index cho biết các thị trường phản ứng tiêu cực với tin tức về lạm phát. Các nhà đầu tư ngày càng trở nên khó khăn để có thể duy trì đánh giá lạc quan về thị trường chứng khoán do triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Lan Phương  (TTXVN)
Chứng khoán thế giới đa phần tăng điểm trong phiên 16/8
Chứng khoán thế giới đa phần tăng điểm trong phiên 16/8

Chứng khoán toàn cầu hầu hết tăng điểm trong phiên 16/8, khi các nhà đầu tư tỏ ra bối rối bởi các số liệu kinh tế trái chiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN