Chứng khoán toàn cầu giảm điểm sau các quyết định nâng lãi suất

Ngày 15/12, chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt giảm điểm khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất và đưa ra các thông điệp về duy trì biện pháp này để kiểm soát lạm phát.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên theo dõi các chỉ số tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 15/12, Ngân hàng trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm, giống như mức tăng trước đó của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Trong khi đó, Na Uy và Thụy Sĩ cũng lần lượt có động thái nâng lãi suất.

Sau thông báo tăng lãi suất, BOE tuyên bố: “Thị trường lao động vẫn thắt chặt và có bằng chứng cho thấy sức ép lạm phát giá tiêu dùng trong nước và lương có thể kéo dài, vì vậy sẽ cần một phản ứng của chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa”. ECB cũng đưa ra thông điệp tương tự, khi Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn quá cao và cần triển khai thêm hành động.

Trước tình hình trên, giá cổ phiếu đã liên tục đi xuống. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones và chỉ số S&P 500 đã lần lượt giảm 2,3% và 2,5% xuống còn 33.202,22 điểm và 3.895,75 điểm. Chỉ số Nasdaq đã giảm 3,2% xuống 10.810,53 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số chứng khoán trên thị trường Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) đều giảm hơn 3%, trong khi chỉ số  FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,9%.

Việc nâng lãi suất làm tăng mối quan ngại về nguy cơ suy thoái, khi buộc người tiêu dùng và doanh nghiệp phải thanh toán nhiều hơn cho các khoản nợ, dẫn đến giảm chi tiêu, đầu tư và khiến hoạt động kinh tế đi xuống. Theo nhà phân tích Patrick O'Hare của trang Briefing.com, các chính sách này đều không nằm ngoài dự báo, nhưng không giúp giải quyết vấn đề bởi lãi suất cao sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế. 

Tại Trung Quốc, doanh thu bán lẻ trong tháng 11 đã giảm mạnh khi các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản tác động mạnh đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi FED cảnh báo kinh tế Mỹ có nguy cơ tăng trưởng thấp hơn trong năm tới, thì ECB nhận định Eurozone cũng có nguy cơ đối mặt với suy thoái nhẹ. Triển vọng kinh tế u ám đã góp phần kéo giá dầu đi xuống. Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,8% xuống 81,21 USD, trong khi giá dầu WTI giảm 1,5% xuống 76,11 USD. Trong khi đó, chỉ số đồng USD so với các đồng tiền chính khác tăng lên, bởi đồng bạc xanh được coi là kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn khó khăn.

Nhà phân tích Michael Hewson của CMC Markets nhận định việc nâng các dự báo lạm phát, trong khi hạ dự báo tăng trưởng và duy trì lãi suất cao lâu hơn sẽ thay đổi kỳ vọng của thị trường về nhu cầu trong thời gian tới.

Đặng Ánh (TTXVN)
Giá vàng thế giới giảm sau khi Fed thông báo dự định tiếp tục tăng lãi suất
Giá vàng thế giới giảm sau khi Fed thông báo dự định tiếp tục tăng lãi suất

Giá vàng thế giới giảm hơn 1% trong phiên 15/12, xuống mức thấp nhất trong khoảng một tuần do đồng USD mạnh lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ tăng lãi suất nhiều hơn vào năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN