Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Chỉ số VN-Index đã giảm mạnh nhất từ năm 2012 đến nay với mức giảm 9,1% tương ứng 101,1 điểm xuống 1.003,94 điểm; HNX-Index giảm 6,47 điểm tương ứng với 5,2% xuống 117,5 điểm.
Nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua thuộc về dầu khí; trong đó, cổ phiếu đầu ngành dầu khí là PLX (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) giảm tới 16,7%, PVD (Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí) giảm 24,9%, PVS (Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) giảm 23,1%, PVC (Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí-CTCP) giảm 19,8% và PVB (Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam) giảm 19,1%.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng giảm mạnh với các cổ phiếu tiêu biểu như VCB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam) giảm 9,6%, BIDV (Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam) giảm 4,2%, CTG (Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam) giảm 12,5%, VPB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng) giảm 3,1%, MBB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội) giảm 6,8%, ACB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu) giảm 3,9%.
Nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có mức giảm rất mạnh như GAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP) giảm 20%, VNM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam) giảm 8%, MSN (Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan) giảm 9,8%, BVH (Tập đoàn Bảo Việt) giảm 11%, …
Thanh khoản tuần qua sụt giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao với trung bình gần 9.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Theo giới phân tích, mặc dù thị trường có những phiên giảm điểm kỷ lục, nhưng thanh khoản vẫn rất cao, riêng ngày 6/2 giá trị giao dịch khoảng 17.000 tỉ đồng.
Điều này chứng tỏ khi lớp nhà đầu tư cũ bán bớt những cổ phiếu đang nắm giữ, vì lo sợ giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc thì lập tức có dòng tiền mới “nhảy” vào mua bắt đáy. Việc này minh chứng giới đầu tư vẫn còn có những kỳ vọng vào thị trường trong thời gian tới.
Ngay cả phiên VN-Index giảm hơn 19 điểm (phiên 9/2) thị trường vẫn có những dấu hiệu tích cực. Mặc dù, ngay khi mở cửa phiên giao dịch thị trường đã bị bán mạnh khiến VN-Index lùi sâu dưới mốc tham chiếu, có những thời điểm chỉ số VN-Index “thủng” mốc 1.000 điểm, nhưng càng đến cuối phiên chiều dòng tiền bắt đáy quay trở lại, cùng với sự hồi sinh của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp cho các chỉ số VN-Index thu hẹp đà giảm và HNX-Index giữ được sắc xanh.
Rõ ràng là luôn có một lượng nhà đầu tư sẵn sàng gom cổ phiếu khi giá xuống thấp. Những nhà đầu tư này đang có kỳ vọng rất tích cực mặc cho kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất kéo dài sẽ khiến thị trường có những rủi ro khó lường khi giao dịch trở lại.
Có lẽ sau những phiên “chấn động” vừa qua, thị trường đã ổn định hơn và giúp cho nhà đầu tư cũng bình tĩnh và quen dần với những dao động mạnh trong phiên. Mốc 1.000 điểm được giữ vững cũng là điều khích lệ tinh thần với nhiều nhà đầu tư trong nước.
Bên cạnh đó, khối ngoại trên thị trường cũng đã có một tuần giao dịch rất sôi động khi mua vào 251,4 triệu cổ phiếu, trị giá 11.822 tỷ đồng, trong khi chỉ bán ra gần 137 triệu cổ phiếu, trị giá trên 7.406 tỷ đồng. Như vậy tổng khối lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài mua ròng đạt hơn 114,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là trên 4.415 tỷ đồng.
Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 8 liên tiếp, với giá trị gấp 10,2 lần so với tuần trước, đạt 4.304,5 tỷ đồng. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng trở lại 111 tỷ đồng sau 5 tuần bán ròng liên tiếp, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 8,7 triệu cổ phiếu.
Qua đó, có thể thấy cả nhà đầu tư nội và nhà đầu tư ngoại vẫn còn nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.