Chung tay nỗ lực 'giải cứu' ngành chăn nuôi lợn

Hơn 6 tháng liên tiếp giảm mạnh, giá thịt lợn đã giảm xuống mức chưa từng có. Nhiều vùng, giá lợn hơi chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg, các hộ chăn nuôi điêu đứng, trên bờ vực phá sản. Đứng trước tình thế này, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương đã kêu gọi toàn dân giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn.

Quá phụ thuộc vào một thị trường

Vào đầu tháng 5/2016, giá lợn hơi Việt Nam đạt mức cao kỷ lục do sự gia tăng nhu cầu từ thị trường Trung Quốc. Mỗi ngày có hàng ngàn con lợn được xuất sang Trung Quốc với giá lên tới 52.000 - 56.000 đồng/kg.

Nhiều hộ nuôi phải tạm "treo" chuồng trong lúc khó khăn.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2016 trở đi, Trung Quốc bắt đầu tăng cường kiểm dịch các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu, trong đó có lợn hơi của Việt Nam. Việc Trung Quốc giảm mua khiến giá thịt lợn hơi trong nước giảm mạnh và kéo dài từ đó tới nay. Nhiều vùng, giá lợnhơi đã xuống mức dưới 20.000 đồng/kg, giá con giống giảm từ hơn 1 triệu đồng xuống còn 300.000 đồng/con.

Tại xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, Hà Nam), một trong những thủ phủ chăn nuôi lợn, cả xã Ngọc Lũ có khoảng 2.000 hộ dân thì có tới 1.500 hộ chăn nuôi lợn. Ông Võ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Hà Nội cho biết, nhiều hộ chăn nuôi ở đây đang điêu đứng. Giá lợn hơi chỉ trên 20.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, ở Ngọc Lũ có nhiều lợn thịt nuôi quá lứa, không xuất bán được, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.


Còn tại xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, giá lợn hơi hiện chỉ từ 18.000 đồng/kg, mức giá này đã duy trì hơn một tháng nay. Nhiều gia đình cũng quyết định “treo” chuồng để đợi tín hiệu thị trường.


Gia đình anh Văn Quyết ở xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ trước đây có 300 đầu lợn. Vừa qua, anh phải bán bớt 200 con lợn mặc dù bị thua lỗ nặng nề, hiện anh vẫn tiếp tục bán để thu hồi vốn.


“Lỗ cũng phải bán vì càng nuôi càng lỗ hơn. Mỗi ngày mất 1,5 triệu đồng tiền cám thì không thể chịu nổi. Bán nốt đợt này chúng tôi sẽ 'treo' chuồng, tạm dừng một thời gian”, anh Quyết nói. Theo anh Quyết, bán mỗi con lợn anh lỗ từ 1,5 - 2 triệu đồng, anh đã bị thua lỗ khoảng 450 triệu đồng vì nuôi lợn. Nhiều trang trại khác cũng phải bán tháo lợn để cắt lỗ và bớt công chăm sóc.


“Giải cứu” thịt lợn là biện pháp trước mắt


Để cứu người chăn nuôi, cuối tháng 4/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có cuộc họp khẩn với gần 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chế biến cùng các hiệp hội, ngành hàng. Sau đó, nhiều doanh nghiệp đã cam kết chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.


Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết: “Doanh nghiệp đã tăng cường bán thịt lợn theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu để giúp đỡ người chăn nuôi”.


Còn theo ông Phạm Văn Học, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, giá thức ăn của doanh nghiệp đã giảm từ 5% đến 7%, giảm cả giá bán con giống.


Các lực lượng vũ trang cũng cam kết chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn. Theo Bộ Công an, Bộ sẽ phấn đấu, một quý tiêu thụ 70.000 tấn thịt lợn cho người chăn nuôi. Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) cũng cho biết, quân đội cũng sẽ chia sẻ những khó khăn với bà con nông dân, tiêu thụ hàng chục nghìn tấn thịt lợn giúp người chăn nuôi.


Các siêu thị cũng tích cực vào cuộc, từ ngày 7/5, hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+ của Tập đoàn Vingroup vừa triển khai chiến dịch “Hỗ trợ hộ nuôi lợn - Bán hàng không lợi nhuận” tại 1.000 cơ sở trên toàn quốc. Riêng tại phía Bắc, VinMart vừa hỗ trợ hộ chăn nuôi với giá thu mua cao hơn thị trường, vừa trợ giá bán ra cho người tiêu dùng.


Theo đó, toàn bộ các sản phẩm thịt lợn do hệ thống Vinmart bán ra sẽ có giá bán bằng giá thu mua đầu vào. VinMart cũng tiến hành thu mua trực tiếp cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại khu vực phía Bắc. Thịt được thu mua vẫn phải qua quá trình chọn lọc, đảm bảo.


Ngoài ra, hệ thống siêu thị Big C đã thực hiện đợt giảm giá 8 - 10% cho tất cả các sản phẩm thịt lợn, hệ thống siêu thị Fivimart hai lần giảm giá bán thịt lợn với mức giảm từ 13 - 30%. LOTTE Mart Việt Nam cũng giảm giá bán thịt lợn từ 10 - 20% tùy sản phẩm.


Theo Cục Chăn nuôi, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp... những ngày gần đây, giá thịt lợn hơi đã tăng trung bình 5.000 - 7.000 đồng/kg. Giá đầu vào chăn nuôi đã giảm đáng kể, giá thức ăn chăn nuôi giảm bình quân 200 đồng/kg, lãi suất tín dụng giảm và tiếp tục cho vay mới. Trong khi đó, giá bán thịt lợn thương phẩm trên thị trường giảm 10 - 30%.


Như ở Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi lợn với 1,7 triệu con, giá bán lợn hơi đang ở mức 28.000 - 30.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai xác nhận, trong những ngày gần đây giá thịt lợn hơi đã tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg, nhiều trang trại đang bán lợn hơi với giá 30.000 đồng/kg.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, mức tăng giá này chưa bền vững và vẫn chưa đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi. Nếu chỉ riêng những công ty chăn nuôi lợn quy mô lớn như CP, Japfa... tiếp tục xả hàng ra thị trường thì việc dư cung lại dẫn đến giá giảm.


Bởi vậy, để chăn nuôi phát triển bền vững, tránh bị thua lỗ thì các ngành chức năng cần có những biện pháp tổng thể, dài hơn và căn cơ để tránh mất cân đối cung cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, kết nối chăn nuôi với thị trường, tăng chế biến sản phẩm... Nếu không có giải pháp mang tính tổng thể thì chăn nuôi sẽ còn đối với mặt với nguy cơ thua lỗ.


Hữu Vinh/Báo Tin Tức
Giá thịt lợn giảm kỷ lục, nông dân sốc nặng, lợn... đói
Giá thịt lợn giảm kỷ lục, nông dân sốc nặng, lợn... đói

“Hy vọng giá lợn ấm lên” là tâm trạng chung của hầu hết các hộ chăn nuôi, khi mà họ đã bỏ công sức đầu tư rất nhiều cho ước vọng làm giàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN