Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết với xu thế chung hiện nay, tăng trưởng tín dụng của năm 2019 chỉ nên nằm trong mức từ 12,5 đến 14%, không nên là quá cao.
Bởi phần huy động vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và nền kinh tế chủ yếu sẽ tăng trưởng nhờ vào việc huy động vốn, cổ phần tăng thêm hoặc vốn trái phiếu từ thị trường chứng khoán.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội), xu hướng tăng trưởng tín dụng ổn định trong năm 2018 sẽ tiếp tục trong năm 2019 vì kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tốt, thâm dụng vốn trong nền kinh tế giảm, nên không có lý do gì để tăng mạnh tín dụng năm 2019.
Ông Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng nếu như trước đây, việc tăng trưởng kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, thì giờ đây, cơ cấu kinh tế đã tốt hơn. Nền công nghiệp phụ trợ, ngành dịch vụ, nông nghiệp đã phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài.
Khi thâm dụng tín dụng được cải thiện, thì nên có chính sách tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong dài hạn. "Tôi nghĩ tăng trưởng tín dụng trong khoảng 14 - 15% là hợp lý", ông Thành nói.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2019, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, tăng trưởng tín dụng trong 3 - 5 năm tới sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015 - 2017 (trung bình 18,1%) xuất phát từ cả cung và cầu tín dụng.
Báo cáo của BVSC dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 chậm lại ở mức 6,4 - 6,5%. Kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ đi đôi với nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh từ phía doanh nghiệp có thể giảm tốc. Lãi suất được dự báo tăng 0,25% - 0,5% trong năm 2019 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Mặt khác, nguồn cung tín dụng cũng chậm lại do tác động từ chính sách mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành, như việc "siết" tín dụng bất động sản thông qua quy định nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên 200% vào đầu năm 2018 và 250% vào đầu năm 2019, đồng thời giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% từ đầu năm 2019.
Từ những dự báo trên, BVSC cho rằng nhu cầu vốn ước tính để đáp ứng được mức tăng trưởng tín dụng 14 - 15%/năm ở các ngân hàng niêm yết trong giai đoạn 2018 - 2019 là khoảng 237.000 tỷ đồng; trong đó, nhu cầu vốn lớn nhất tập trung ở các ngân hàng: VietinBank, LienVietPostBank và Sacombank với mức tăng vốn bình quân mỗi năm lần lượt là 22%, 16% và 13%/năm.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, năm 2019, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tương đương với năm 2018, tức khoảng 14%; trong đó, tín dụng sẽ vẫn được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo kiểm soát rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019.