Chuyên gia nhận định về triển vọng phục hồi của nhu cầu dầu mỏ

Mặc dù giá dầu thô đã hồi phục từ mức thấp ghi nhận trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, các lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia ngành dầu mỏ đang đặt câu hỏi liệu nhu cầu về dầu mỏ đã thực sự đạt đỉnh hay chưa.

Chú thích ảnh
Một trạm bán xăng ở Plano, bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Sự bùng phát và lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh, với giá dầu kỳ hạn có thời điểm xuống mức âm. Nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh chủ yếu do các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội khiến hầu hết máy bay phải “đắp chiếu” và người dân hạn chế đi lại.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm trung bình 8 triệu thùng/ngày trong năm nay, tức giảm khoảng 8% so với năm ngoái. Mặc dù IEA ước tính nhu cầu dầu sẽ tăng 5,7 triệu thùng/ngày vào năm tới, nhưng nhu cầu tổng thể vẫn sẽ thấp hơn so với năm 2019 do sự không chắc chắn đang diễn ra trong lĩnh vực hàng không.

Triển vọng u ám này khiến nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi liệu nhu cầu có thể trở lại mức của năm 2019 hay không?

Khái niệm dầu mỏ đạt đỉnh từ lâu đã là chủ đề bàn luận. Các chuyên gia chủ yếu tập trung vào mức đỉnh sản xuất, với dự báo rằng giá dầu sẽ tăng vọt khi nguồn dầu mỏ trong lòng đất cạn kiệt. Nhưng trong những tháng gần đây, khái niệm về đỉnh nhu cầu đã xuất hiện, sau khi đại dịch COVID-19 xóa sạch nhu cầu nhiên liệu của ngành vận tải bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi sang nguồn nhiên liệu sạch hơn.

Giáo sư Michael Bradshaw tại Trường Kinh doanh Warwick (Anh) cho biết, các nhóm môi trường đã và đang vận động để ngăn Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu không trở thành một nạn nhân nữa của đại dịch COVID, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal) trong quá trình phục hồi kinh tế.

Giáo sư Bradshaw cho rằng nếu các nhóm môi trường thành công, nhu cầu “vàng đen” có thể không bao giờ trở lại mức cao nhất từng được ghi nhận trước đại dịch COVID-19. Trong khi đó, lĩnh vực giao thông có thể không bao giờ phục hồi hoàn toàn, và sau đại dịch, mọi người có thể có thái độ khác đối với hoạt động đi lại bằng hàng không quốc tế hoặc thói quen làm việc.

Theo Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol, nhiều người bao gồm CEO của một số công ty lớn cho rằng với sự thay đổi lối sống hiện nay như làm việc từ xa, nhu cầu dầu có thể đã đạt đỉnh và sẽ bắt đầu đi xuống.

Trong khi đó, ngành công nghiệp dầu mỏ có thể phải đối mặt với những thách thức tài chính. Bronwen Tucker, một nhà phân tích tại tổ chức phi chính phủ Oil Change International (OCI), cho rằng ngành dầu mỏ đang chịu áp lực lớn từ các nhà đầu tư. 

“Gã khổng lồ” dầu mỏ Royal Dutch Shell (Anh - Hà Lan) cho biết trong tuần trước rằng giá trị tài sản của doanh nghiệp này đã giảm khoảng 22 tỷ USD khi đánh giá lại giá trị doanh nghiệp dưới tác động của COVID-19. Tháng trước, BP của Anh cũng đã thông báo giá trị tài sản của tập đoàn dầu khí này giảm 17,5 tỷ USD.

Mai Ly/TTXVN (Theo AFP)
Mỹ quyết phá mạng lưới vận chuyển dầu mỏ của Iran ra nước ngoài
Mỹ quyết phá mạng lưới vận chuyển dầu mỏ của Iran ra nước ngoài

Đây là động thái mới nhất của Mỹ để truy lùng các mạng lưới vận tải đường biển giúp Iran lách lệnh cấm vận của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN