Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, khác với thẻ từ, thẻ chip (chip card) còn được gọi là thẻ thông minh, chứa một chip điện tử trên bề mặt thẻ, với bộ vi xử lý như một máy tính thu nhỏ và hoàn toàn độc lập. Thẻ chip có thể lưu trữ nhiều thông tin hơn thẻ từ.
Ngoài ra, các thông tin lưu trên con chip có thể xóa đi và tạo lại nhiều lần giúp tăng độ bền cho thẻ. Thẻ chip có nhiểu ưu điểm hơn hẳn thẻ từ như độ an toàn bảo mật cao, hạn chế việc làm giả hay lấy cắp dữ liệu cá nhân.
“Vì thế, tôi cho rằng, việc chuyển đổi thẻ ATM làm bằng thẻ từ sang thẻ chip là hoàn toàn phù hợp”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Hiếu thì việc chuyển đổi này sẽ tạo ra chi phí rất lớn. Đây thực sự là một gánh nặng, đặc biệt với những ngân hàng thương mại có số lượng phát hành thẻ lớn.
Hiện Việt Nam có khoảng 77 triệu thẻ ngân hàng; trong đó 70 triệu thẻ ATM sử dụng công nghệ từ. Một số ngân hàng thương mại có số lượng thẻ lớn như Vietcombank đang dẫn đầu với gần 14 triệu thẻ, VietinBank có gần 13,7 triệu thẻ, Agribank và BIDV có lần lượt 11 triệu thẻ và gần 10,4 triệu thẻ... Theo số liệu của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, riêng năm 2017 có gần 15,6 triệu thẻ được phát hành mới.
Theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam thì việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đang được các ngân hàng chuẩn bị theo đúng lộ trình cũng như yêu cầu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Ông Đào Minh Tuấn cho biết, hiện các ngân hàng thương mại trong nước đều là thành viên của thẻ quốc tế VisaMaster nên từ nhiều năm trước, các thẻ quốc tế đã đổi sang thẻ chip. Vì vậy, chỉ có những thẻ ATM nội địa mới cần phải đổi với số lượng rất lớn ước 90-100 triệu thẻ.
Bên cạnh đó, để phù hợp với việc chuyển đổi thẻ, ngân hàng còn phải nâng cấp cả thiết bị đầu cuối là POS, ATM. Do vậy, chi phí đổi sang thẻ chip và thiết bị đầu cuối là rất lớn, riêng thẻ thì phí bình quân khoảng 2 USD/ thẻ. Vietcombank có 15 triệu thẻ, với giá bình quân 2 USD/thẻ thì tổng chi phí đổi thẻ 30 triệu USD, quy đổi ra VND là gần 700 tỷ đồng.
Song ông Đào Minh Tuấn cũng cho rằng, chi phí chuyển đổi là rất lớn nhưng ngân hàng phải đầu tư và trả chi phí toàn bộ việc chuyển đổi thẻ và nâng cấp thiết bị chấp nhận thẻ chứ không thể bắt khách hàng phải trả hay chia sẻ. Ngân hàng thương mại phải tự tính toán để bù đắp cho việc chuyển đổi này.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu đề nghị các ngân hàng thương mại không nên áp phí bổ sung giữa kỳ khi khách hàng chuyển đổi từ thẻ ATM làm bằng thẻ từ sang thẻ chip. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần có sự giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại trong quá trình chuyển đổi này.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng nhà nước) cũng cho biết các ngân hàng sẽ phải tự cân đối, quy định có hay không mức đổi phí và mức phí là bao nhiêu. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán và quyền lợi của chủ thẻ, đặc biệt là không để gián đoạn việc thanh toán giao dịch của khách hàng trong quá trình đổi thẻ.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM làm bằng thẻ từ sang thẻ chip. Cụ thể, đến ngày 31/12/2019, ít nhất 30% số thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Đến ngày 31/12/2020, ít nhất 60% số thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp đang lưu hành của của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Thông tư cũng nêu rõ đến ngày 31/12/2021 thì 100% số thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp đang lưu hành của của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.