Theo đó, việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập ngân sách hàng năm có sự gắn kết chặt chẽ cùng hướng tới mục tiêu chung, tạo sự kết nối giữa chi tiêu của các ngành với kế hoạch tổng thể của địa phương, đáp ứng tính liên tục trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước được siết chặt; hạn chế việc tùy tiện điều chỉnh dự toán, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.
Đồng thời, tạo tính chủ động cho các bộ, ngành trong việc dự báo khả năng thu ngân sách và nhu cầu chi tiêu để thực hiện các nhiệm vụ của bộ, ngành được giao; cấu chi ngân sách có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển cao hơn mục tiêu đã đề ra…
Báo cáo cũng cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,% kế hoạch 5 năm. Tuy nhiên, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm liên tiếp không đạt dự toán (2017 và 2018) đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà nước.
Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, cần phân tích, đánh giá nguyên nhân số thu nội địa tăng chậm, các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán trong những năm gần đây để có các giải pháp khắc phục hợp lý; đồng thời, để xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước các năm sau khả thi hơn.
Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2011-2015 song việc điều chỉnh chính sách thu, công cụ điều tiết các khoản thu chậm đổi mới nên kết quả thu ngân sách Nhà nước chưa được như mong muốn; mặt khác, còn thể hiện công tác xây dựng và giao dự toán chưa chú trọng thực sự đến công tác phân tích, đánh giá và nhận định các yếu tố tác động.
Do đó, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ cần quan tâm, khắc phục những hạn chế đã và đang tồn tại trong nhiều năm; nâng cao chất lượng phân tích và dự báo nguồn thu để xây dựng dự toán thu chắc chắn, bảo đảm cân đối chung trong Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia.
Về chi ngân sách Nhà nước, trong 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,4% kế hoạch 5 năm; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt mục tiêu 25-26%, tỷ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ quan tâm tới một số vấn đề như trong bối cảnh nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cuối năm dư kinh phí hoặc chưa phân bổ; việc trình phương án sử dụng số tiết kiệm chi chậm so với thời gian quy định.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn còn lúng túng, dẫn đến việc phân bổ, giao dự toán chậm, giao nhiều đợt, tiến độ giải ngân năm 2017, 2018 rất chậm.
Bên cạnh đó, cơ cấu chi ngân sách Nhà nước có chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sự chuyển dịch chưa thật mạnh mẽ, tỷ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh, đòi hỏi phải có những tính toán căn cơ, tiết kiệm chi thường xuyên triệt để, bảo đảm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước.
Việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/ năm. Tuy nhiên, việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế mạnh mẽ và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập.
Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này, việc điều chỉnh tiền lương cần đặt trong một tổng thể cân đối ngân sách Nhà nước bền vững và chắc chắn.
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong 3 năm qua cũng đạt được nhiều kết quả. Riêng lĩnh vực thuế và hải quan đã cắt giảm, đơn giản hóa rất nhiều thủ tục hành chính.
Theo Chính phủ, từ năm 2016 đến cuối tháng 8/2018 đã thực hiện rà soát cắt giảm 174 thủ tục và đơn giản hóa 894 thủ tục hành chính, hiện đại hóa, đổi mới quy trình ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử tại 63/63 tỉnh thành phố, 100% các chi cục thuế, với khoảng 99% doanh nghiệp tham gia.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính ngân sách kiến nghị kiên quyết, quyết liệt thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương về quản lý thu ngân sách Nhà nước, thực hiện rà soát, có cơ chế quản lý chặt chẽ về ưu đãi đầu tư, chống chuyển giá.
Ngoài ra, tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý chi tiêu ngân sách Nhà nước; nghiên cứu bổ sung các chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ theo quy trình lập, chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước.