Hồi đầu năm, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, số liệu thống kê cho thấy cổ phần hóa DNNN mới chỉ đạt về mặt số lượng khi có 96,5% số DNNN được cổ phần hóa song chỉ có khoảng 8% số vốn trong các DNNN được cổ phần hóa, chuyển giao cho khu vực tư nhân.
Theo báo cáo của Công ty AVM, năm 2017, nhà nước thực hiện cổ phần hóa tại 40 doanh nghiệp. Trong số đó đáng chú ý có những doanh nghiệp quy mô lớn cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán như PVOil, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn... Theo kế hoạch, năm 2018, Chính phủ sẽ tiếp tục cổ phần hóa 64 doanh nghiệp.
Đại gia Thái Lan mua lại Sabeco là thương vụ cổ phần hóa DNNN lớn nhất trong 10 năm qua với giá trị đạt 5 tỷ USD. Ảnh: Chương Đài/TTXVN. |
Về thoái vốn nhà nước, giá trị thoái vốn năm 2017 đạt đỉnh với giá trị thu về 140.000 tỷ đồng. Kết quả này có được chủ yếu là từ hai thương vụ thoái vốn lớn tại Sabeco và Vinamilk.
Yếu tố thành công ở hai thương vụ này ở chỗ đây là hai công ty đầu ngành trong lĩnh vực sữa và sản xuất bia, đồng thời nhà nước đã mạnh dạn giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần (dưới 51%) và tổ chức đấu thầu minh bạch.
“Tuy nhiên, kết quả đạt được từ cổ phần hóa và thoái vốn không đồng đều. Nhiều thương vụ cổ phần hóa và thoái vốn đã không đạt được mục tiêu như kỳ vọng”, báo cáo chỉ rõ.
Tại cuộc họp báo giới thiệu Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) 2018 do báo Đầu tư tổ chức sáng nay (24/7) tại Hà Nội, bình luận về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ - CIEM cho rằng, trên thị trường M&A, các thương vụ lớn nổ ra không được quyết định bởi các nhà làm chính sách. Bởi nhiều quyết định đưa ra của nhà làm chính sách không hợp thời với nhà đầu tư, có thể thời điểm đó họ không quan tâm hoặc giá thị trường chưa hợp lý…
"Cổ phần của DNNN là món hàng hời, nhưng nhiều lần không bán được vì sự thiếu sự quan tâm của nhà đầu tư. Cổ phần hóa DNNN là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhà nước nên bán khôn ngoan, bán chiến lược hơn. Tức là không phải khi có quyết định bán là ngày hôm sau tung hết hàng ra bán ào ạt", ông Hiếu đề nghị.
Để làm được điều này, ông Hiếu kỳ vọng sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ giúp việc bán cổ phần DNNN có chiến lược tập thể, dài hạn hơn.
“Hiện chủ sở hữu DNNN khá phân mảnh, có mục tiêu quan tâm khác nhau. Nếu bung hàng cùng lúc sẽ không thành điểm cộng tốt mà sẽ triệt tiêu nhau. Điều này không có nghĩa là bán hàng nhỏ giọt mà cần biết làm hàng”, ông Hiếu nói.
Còn theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam, việc cổ phần hóa DNNN cần đi vào thực chất hơn hiện nay.
“Có nhiều doanh nghiệp chỉ bán 3 - 5%, không lôi cuốn các nhà đầu tư vì vào mua mà không có quyền hành gì. Thậm chí có những DNNN cổ phần xong nhưng vẫn hoạt động như một DNNN”, ông Thinh nói.
Theo Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam, trong 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ được tạo lập, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008. Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó, thương vụ kỷ lục nhất của thập kỷ thuộc về ThaiBev (Thái Lan), thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% của Sabeco, công ty bia lớn nhất Việt Nam, trị giá 5 tỷ USD đã được tạo lập trong năm 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD (bằng 139% cùng kỳ năm 2017). Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5 - 6,9 tỷ USD. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014 - 2016 để ổn định ở mốc 6 – 6,5 tỷ USD.