Đây là hai loại đặc sản được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào ngày 26/1/2018, ghi nhận tổ chức quản lý Chỉ dẫn địa lý là UBND tỉnh Bến Tre.
Thu mua dừa tại vườn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN |
Phát biểu tại lễ công bố, Tiến sĩ Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, chỉ dẫn địa lý cho dừa xiêm xanh và bưởi da xanh sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ là bước khởi đầu. Trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm, địa phương sẽ đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt là quy mô sản xuất nhỏ, liên kết trong sản xuất còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị còn yếu.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo, sau khi được chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều việc quan trọng; trong đó, đẩy mạnh thanh lọc, chọn lọc và nhân giống để bảo tồn và nâng chất lượng của hai sản phẩm này. Tỉnh tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá để người dân, người sản xuất, kinh doanh nhận thức được rằng chỉ dẫn địa lý là tài sản chung của tỉnh, của quốc gia nên mỗi cá nhân, tổ chức phải tự ý thức trong giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý.
Cùng đó, tỉnh xây dựng vườn mẫu, vườn hữu cơ, liên kết sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua hệ thống các công cụ quản lý Chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao chuỗi giá trị; quản lý chặt chẽ nhãn hiệu, xây dựng mã vạch để truy xuất nguồn gốc, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Tỉnh cũng nghiên cứu triển khai đăng ký Chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tạo tiền đề để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu hai sản phẩm trên.
Dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh là hai cây trồng được Bến Tre xác định là những cây trồng chủ lực, mang giá trị kinh tế lớn. Hiện Bến Tre có trên 7.200 ha bưởi da xanh và gần 8.000 ha dừa xiêm xanh; trong đó, có hơn 4.800 ha bưởi da xanh đang cho trái, sản lượng 57.000 tấn/năm. Những năm qua, tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản của tỉnh theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, nhằm nâng cao đời sống người dân.