Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, khi người dân hạn chế mua sắm tại siêu thị, chợ và tạp hoá thì mua bán trực tuyến (online) là kênh được lựa chọn thay thế, song song với đó là tích cực thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu trước kia sự chuyển đổi này còn khó khăn thì qua mùa dịch, việc thay đổi này nhanh hơn do môi trường bắt buộc.
Theo thống kê ở 4 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn ở Việt Nam gần đây cho thấy: Lượng truy cập mua sắm trên sàn kể từ khi xảy ra COVID-19 tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2019. Trung bình mỗi ngày có khoảng 4 triệu lượt truy cập ở các sàn TMĐT mua sắm; đồng thời, lượng tìm kiếm ứng dụng thanh toán tăng gấp đôi đầu mùa dịch.
Tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Hiệp hội TMĐT và Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức ngày 12/6, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ: Chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” đang được thử nghiệm với mặt hàng quả vải là ý tưởng táo bạo, từ sự hợp tác giữa nhà bán lẻ, công nghệ ví điện tử và cơ quan truyền thông. Chỉ trong 2 ngày đầu tiên, trung bình mỗi giờ đã có 500 kg vải được bán nâng tổng số vải bán ra trên 22 tấn.
Chia sẻ kết nối trực tuyến giữa ngân hàng và bệnh viện phục vụ thanh toán online, ông Đàm Hồng Tiến, Giám đốc khối bán lẻ VietinBank cho hay: Bên cạnh dịch vụ điện, nước, học phí, với lĩnh vực y tế, VietinBank đã cung ứng dịch vụ cho hơn 130 bệnh viện trong đó có 30 bệnh viện lớn như: Từ Dũ, Y dược TP. Hồ Chí Minh, Bạch Mai...
Theo đó, VietinBank đưa ra các giải pháp thanh toán giúp cho người bệnh, người nhà bệnh nhân giảm thời gian xếp hàng cũng như thanh toán viện phí; giúp các bệnh viện giảm tải nhân lực trong công tác thu ngân... VietinBank đang cung cấp 6 nhóm giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các bệnh viện như chuyển khoản, POS, QR, thanh toán bẳng thẻ thăm khám bệnh viện…
"Thực tế hiện nay, mỗi thẻ sử dụng cho một bệnh viện. Mỗi người có một thẻ khác nhau. Vì vậy, nếu có cơ sở dữ liệu liên thông cấp Quốc gia thì chỉ cần một thẻ chung. Song một vướng mắc của các ngân hàng khi đầu tư vào thanh toán y tế là chi phí rất lớn. Khi cung cấp dịch vụ công, ngân hàng cần có bù đắp chi phí đầu tư nên cần có cơ chế tài chính, hướng dẫn các bệnh viện thanh toán các khoản chi phí dịch vụ", ông Đàm Hồng Tiến đề xuất.
Liên quan đến giải pháp thanh toán học phí điện tử, mới đây Vietcombank và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác; theo Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm thẻ Vietcombank, hai bên hợp tác sẽ tạo ra một hệ sinh thái thanh toán mới, hiện đại trong trường. Các công chức, viên chức, người lao động, cựu sinh viên, sinh viên, nghiên cứu sinh và người học… sẽ dễ dàng sử dụng thẻ và các thiết bị di động để thanh toán trong quá trình học tập, làm việc và sinh hoạt tại trường, thông qua các dịch vụ thanh toán học phí, thanh toán tại căng tin, bãi gửi xe, ký túc xá…
“Trong tương lai, thẻ Đồng thương hiệu giữa Vietcombank và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ không chỉ là phương tiện thanh toán mà còn là công cụ để nhà trường quản lý và lưu trữ thông tin của các cán bộ giáo viên và sinh viên của trường, thay thế cho các loại thẻ truyền thống hiện nay”, bà Nguyễn Hồng Vân nói.
“Thanh toán không tiền mặt sẽ làm cho người tiêu dùng thoải mái”, ông Lê Tấn Thiên Vũ, Giám đốc Quản lý đối tác chiến lược và Phát triển kinh doanh Grab Việt Nam mong muốn.
Theo ông Lê Tấn Thiên Vũ, nếu trước đây, mỗi ứng dụng thường chỉ phục vụ giải quyết một dịch vụ thì xu hướng mới công nghệ đa ứng dụng hay một ứng dụng có thể giải quyết đa dịch vụ từ đi lại, giao hàng, thanh toán, đặt món…
Sự phát triển của hệ sinh thái này, theo ông Lê Tấn Thiên Vũ, sẽ thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng được tích điểm và quy đổi thành các dịch khác, tăng sự tiện lợi và tính trung thành của người dùng. Đặc biệt trong dịch COVID-19 vừa qua, hệ sinh thái mà Grab đang xây dựng càng phát huy vai trò của mình nhằm "cung ứng những dịch vụ thiết yếu nhất". Người dùng, đối tác tài xế, cũng như các doanh nghiệp nhờ đó có cơ hội tăng thêm thu nhập với lợi ích thanh toán không tiền mặt.
Theo NHNN, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động an toàn, thông suốt. Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019.
Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ATM hoạt động thông suốt.