Mặc dù Bộ Y tế đã khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người và hướng dẫn rõ cách phân biệt thịt lợn an toàn với thịt lợn nhiễm bệnh, song với tâm lý lo lắng, nhiều người tiêu dùng vẫn quyết định giảm hoặc ngừng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày và chuyển sang dùng các loại thực phẩm thay thế khác. Do đó, giá thịt lợn được bày bán ở các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Ninh Bình giảm nhẹ cả về lượng tiêu thụ và giá.
Tại một số khu chợ như chợ Rồng (phường Vân Giang), chợ Quang Trung (phường Nam Bình), chợ 5 tầng (phường Thanh Bình), chợ Nam Thành (phường Nam Thành)…, giá các loại thịt lợn đùi, vai dao động ở mức phổ biến từ 75.000 - 85.000 đồng/kg; thịt thăn, thịt ba chỉ từ 85.000 - 90.000 đồng/kg; thịt sườn từ 100.000 - 110.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương thì thịt lợn đã giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Rồng, thành phố Ninh Bình cho biết, từ cuối tháng 2/2019, giá thịt lợn bắt đầu giảm. Lượng thịt lợn bán ra mỗi ngày tại sạp hàng của chị cũng giảm mạnh, nếu như trước đây mỗi ngày chị bán được khoảng 40 - 50 kg thịt lợn các loại thì sau khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi chị chỉ bán được từ 15 - 20 kg. Nhiều người tiêu dùng vì lo lắng nên đã không còn sử dụng thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày nữa.
Trong khi tại các chợ truyền thống lượng tiêu thụ thịt lợn giảm thì tại các cửa hàng nông sản an toàn, siêu thị sức mua của mặt hàng này vẫn tăng mặc dù giá cả cao hơn so với chợ truyền thống. Theo khảo sát, giá thịt lợn tại các cửa hàng nông sản an toàn, siêu thị hiện được bán phổ biến ở mức 150.000 - 160.000 đồng/kg sườn; thịt ba chỉ, nạc vai dao động ở mức giá từ 130.000 - 140.000 đồng/kg… Mặc dù giá cao hơn so với ở các chợ truyền thống từ 10 - 30%, song người dân vẫn lựa chọn các cửa hàng nông sản an toàn, siêu thị vì các sản phẩm từ thịt lợn ở đây có nguồn gốc rõ ràng, dấu hiệu kiểm dịch đầy đủ.
Chị Nguyễn Thị Phương, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình cho hay, trước đây, chị vẫn chọn mua thịt lợn ở chợ gần nhà vì tiện và giá cả thấp hơn so với siêu thị hay các cửa hàng, nhưng từ khi có dịch tả lợn châu Phi chị chuyển hẳn sang mua tại các cửa hàng nông sản an toàn. Mặc dù giá cao hơn nhưng thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên chị thấy yên tâm hơn khi sử dụng.
Tại một số cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn thành phố Ninh Bình như Sông Vân (phường Đông Thành), Hoa Đô (phường Tân Thành), Kim Anh (phường Nam Bình)…, để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, ngoài trưng bày các giấy chứng nhận về chăn nuôi, giết mổ, kiểm dịch, các cửa hàng còn sơ chế thịt lợn và giữ mát tại quầy, đảm bảo chất lượng, an toàn và tiện lợi cho người tiêu dùng.
Chị Ngô Thị Kim Anh, chủ cửa hàng nông sản an toàn Kim Anh, thành phố Ninh Bình này tỏ, từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, lượng người tiêu dùng tìm đến cửa hàng của chị tăng hơn so với trước do tâm lý lo ngại thịt lợn ngoài thị trường không được kiểm soát.
Giá thịt lợn ở cửa hàng chị cao hơn so với thịt lợn được bày bán ngoài chợ do cửa hàng luôn nhập thịt lợn ở những cơ sở chăn nuôi có uy tín, giá nhập đầu vào cao, lợn nuôi theo chuẩn VietGAP, có xuất xứ rõ ràng và có giấy tờ về quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm đầy đủ. Hiện nay, mỗi ngày lượng thịt bán ra ở cửa hàng cao hơn trước đây từ 15 - 20 kg.
Bên cạnh việc chú ý hơn trong vấn đề vệ sinh ở khâu chế biến các món ăn từ thịt lợn, việc ưu tiên lựa chọn loại thực phẩm này ở những địa chỉ uy tín trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng là điều mà người tiêu dùng quan tâm để đảm bảo an toàn cho bữa ăn hàng ngày của gia đình.