'Cuộc chiến sữa' New Zealand - Canada khơi mào tranh chấp thương mại đầu tiên trong CPTPP

Ông Damien O'Connor, Bộ trưởng Thương mại kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp của New Zealand cho rằng Canada đã đóng cửa thị trường sữa của quốc gia Bắc Mỹ này đối với các nhà xuất khẩu New Zealand.

Chú thích ảnh
Một trang trại nuôi bò sữa gần Oxford, New Zealand. Ảnh minh họa: theglobeandmail

Do đó, New Zealand đã chính thức yêu cầu thành lập ban hội thẩm để giải quyết tranh chấp thương mại với Canada trong khuôn khổ của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận đã đi vào hiệu lực từ cuối tháng 12/2018.

Cuộc chiến này xoay quanh cơ chế phân bổ quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường sữa của Canada mà Ottawa dành cho các đối tác thương mại trong CPTPP. Theo hệ thống quản lý nguồn cung sữa của Canada, quốc gia này bảo vệ nông dân trong nước trước sự cạnh tranh từ nước ngoài với bức tường thuế quan cao, nhưng cho phép một số quyền tiếp cận đặc biệt theo cơ chế hạn ngạch thuế quan (hay TRQs). Khiếu nại này là tranh chấp đầu tiên trong khuôn khổ của CPTPP.

Theo ông O’Connor, Canada không tuân thủ các cam kết mà nước này đưa ra trong CPTPP để cho phép các sản phẩm sữa vào thị trường Canada. New Zealand cáo buộc Canada quản lý hạn ngạch thuế quan không đúng cách. Đầu năm nay, ông O’Connor ước tính rằng mức thiệt hại đối với New Zealand lên tới triệu NZD (41,5 triệu USD) trong hai năm đầu tiên kể từ khi hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Ông O’Connor cho hay New Zealand đã khởi xướng tranh chấp vào ngày 12/5 bằng cách yêu cầu tham vấn chính thức với Ottawa. Các cuộc tham vấn đã diễn ra vào tháng Sáu, nhưng không giải quyết được vấn đề.

Theo luật sư thương mại quốc tế Lawrence Herman, khiếu nại của New Zealand tương tự vụ kiện mà Chính phủ Mỹ đã theo đuổi thành công trong khuôn khổ Thỏa thuận Mỹ - Mexico- Canada (USMCA). Vào tháng 1/2022, một hội đồng của USMCA ra phán quyết rằng cách quản lý thương mại sữa của Canada đã vi phạm thỏa thuận này và yêu cầu Canada phải thay đổi cách thức cấp quyền tiếp cận ưu đãi với thị trường sữa.

Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi bò sữa của Canada bày tỏ tin tưởng rằng nước này sẽ thắng trong cuộc tranh chấp thương mại với New Zealand. Bà Shanti Cosentino, Thư ký báo chí của Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Mary Ng, khẳng định Canada thực hiện nghiêm túc các cam kết trong CPTPP. Bà cho hay các nhà xuất khẩu của New Zealand đang tận dụng TRQ của CPTPP, đặc biệt với bơ và pho mát, đồng thời khẳng định Canada sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Với quy mô dân số chỉ 5,1 triệu người, New Zealand được đánh giá là một cường quốc về sữa. Trong năm 2021, New Zealand là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới và chiếm khoảng 35% thương mại thế giới về các sản phẩm sữa.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Ottawa)
CPTPP bắt đầu có hiệu lực đối với Malaysia từ cuối tháng 11/2022
CPTPP bắt đầu có hiệu lực đối với Malaysia từ cuối tháng 11/2022

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (MITI) Mohamed Azmin Ali cho biết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ bắt đầu có hiệu lực tại quốc gia Đông Nam Á này từ ngày 29/11 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN