Đây là nhận định của nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tại báo cáo vĩ chiến lược đầu tư mới nhất.
Theo VDSC, nhiều chính sách điều hành mang tính hỗ trợ đã được ban hành nhằm giải quyết nút thắt trái phiếu tín dụng và khơi thông dòng vốn tín dụng, trong bối cảnh môi trường lãi suất toàn cầu đi vào chu kỳ cuối của quá trình tăng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang có dự thảo về sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 về quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm tháo gỡ nút thắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Dự thảo trên cơ sở Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 08) được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đàm phán với trái chủ để thanh toán nợ bằng tài sản khác và gia hạn trái phiếu.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn. Điều này sẽ giúp các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí vốn, lãi suất vay, theo đó, cũng sẽ được định hướng giảm, kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, trong bối cảnh thanh khoản của các tổ chức tín dụng đang dư thừa.
Những chính sách này đã giải quyết được những quan ngại của VDSC đối với ngành ngân hàng khi cho rằng thách thức đầu năm đối với nhóm ngành này là tăng trưởng tín dụng chậm, tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) thu hẹp, và ẩn số chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
“Trong ba nút thắt này, có thể thấy quan ngại về tín dụng đã hiện thực hóa, khi mà tăng trưởng tín dụng (theo năm) toàn ngành chỉ tương đương mức tăng trưởng thời kỳ trải qua đại dịch. Đây là dấu trừ đối với thu nhập lãi, cũng như các thu nhập khác từ hoạt động bán chéo của ngân hàng”, VDSC ghi nhận.
Ở chiều ngược lại, với các quyết định điều chỉnh giảm lãi suất và một loạt chính sách được triển khai từ Nghị định số 08 về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành trong tháng 3 sẽ giúp các ngân hàng sẽ có thêm thời gian để xử lý gánh nặng về nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khi doanh nghiệp tồn tại và phục hồi khi kinh tế khởi sắc.
Ngoài ra, VDSC kỳ vọng NIM sẽ phục hồi nhanh hơn dự kiến, và theo đó, thu nhập lãi thuần vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng 10 - 12%.
Mặt khác, thị trường đang chờ đợi một loạt chính sách khác như dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 16 về quy định các tổ chức tín dụng mua bán trái phiếu doanh nghiệp, cùng như quyết định giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp.
Khi phân tích tác động chính sách vĩ mô thế giới với thị trường trong nước, VDSC cho rằng, Fed, ECB và BoE đang đi vào giai đoạn cuối của quá trình tăng lãi suất. Môi trường lãi suất toàn cầu đang có chuyển biến như vậy là điều kiện tương đối thuận lợi cho vĩ mô trong nước, giúp giảm áp lực tỷ giá, và SBV đang có nhiều dư địa hơn để điều hành chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất, vốn đã được thực thi trong tháng 3 vừa qua.
Trên cơ sở này, VDSC nhận định, thị trường đang mang lại các cơ hội giao dịch ngắn hạn, đặc biệt ở các nhóm ngành có độ nhạy cao với lãi suất như ngân hàng. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên xem xét phân bổ 30 – 50% giá trị danh mục cho nhóm ngành và cân nhắc hiện thực hóa lợi nhuận khi các số liệu kinh doanh quý I chính thức được công bố.
Về phía nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị, các nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp cho đến khi xu hướng dài hạn rõ ràng hơn và chuyển sang xu hướng tăng dài hạn.
Đồng thời, các nhà đầu tư có thể tập trung vào các chiến lược ngắn hạn; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh nhóm ngân hàng có tỷ lệ CASA cao, nhóm đầu tư công (xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng), dịch vụ hàng không có thể sẽ là những nhóm cổ phiếu phù hợp cho chiến lược ngắn hạn.
Trên thị trường, cổ phiếu ngân hàng sau khi tăng tích cực nhờ thông tin chính sách, đến phiên hôm qua (10/4) đã gặp áp lực chốt lời. Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn đã hứng chịu sự điều chỉnh, bao gồm cổ phiếu BID, MSB, VCB, CTG… giảm. Trong khi đó, những ngân hàng có vốn hóa thấp tăng giá tích cực như TCB, TPB, SHB…, thậm chí PGB tăng kịch trần.