Ngay sau khi Fed tăng mạnh lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã lập tức điều chỉnh tăng một loạt lãi suất điều hành lên 100 điểm cơ bản. Động thái này được giới phân tích đánh giá là bước đi phù hợp, nhằm ứng phó với việc tỷ giá đang suy yếu. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá trong thời gian tới được cho là vẫn còn hiện hữu.
Trước diễn biến này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh xoay quanh câu chuyện điều hành tỷ giá và những tác động của tỷ giá lên nền kinh tế, doanh nghiệp hiện nay.
Ông nhận định thế nào về diễn biến tỷ giá sau khi Fed tăng lãi suất mới đây? Đâu là điểm tích cực trong bức tranh tỷ giá hiện nay?
Theo tôi, sức ép lên tỷ giá sẽ còn tiếp tục. Vì theo nguyên tắc dòng tiền sẽ chảy từ nơi có lãi suất thấp đến nơi có lãi suất cao, từ nơi rủi ro đến nơi an toàn, nên khi Fed tăng lãi suất, dòng tiền sẽ có khuynh hướng chảy về Mỹ để hưởng mức lợi suất cao và an toàn hơn là nằm ở các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chủ động tăng tỷ giá VNĐ, đồng thời tăng lãi suất điều hành. Do đó, áp lực từ đợt tăng lãi suất này của Fed lên tỷ giá sẽ không quá lớn. Và mức độ biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay là 4% phù hợp trước diễn biến đồng USD đang tăng giá kỷ lục với các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng Euro.
Điểm tích cực trong bức tranh tỷ giá hiện nay là dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn khá cao và chúng ta đang là nước xuất siêu, cũng như cán cân thanh toán luôn dương nên áp lực tỷ giá cũng sẽ không quá căng thẳng.
Ngoài ra, việc duy trì tỷ giá hiện tại giúp chúng ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế nhập khẩu lạm phát nhưng cũng giảm thiểu việc đồng VNĐ tăng giá so với các đồng tiền còn lại. Bởi nếu neo chặt vào đồng USD, thì VNĐ sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác và có thể ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu.
Theo ông, việc giữ ổn định tỷ giá sẽ mang lại những lợi ích nào và Việt Nam sẽ phải "đánh đổi" gì để giữ tiền đồng ổn định trong những tháng tới?
Ổn định tỷ giá như phân tích ở trên sẽ giúp ổn định các yếu tố kinh tế vĩ mô, giữ được dòng tiền trong nước, cũng như hạn chế nhập khẩu lạm phát từ thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng không cần thiết phải neo chặt vào đồng USD mà phải có một chính sách tỷ giá linh hoạt để vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô nhưng vẫn thúc đẩy được xuất khẩu, vì Việt Nam là một nước xuất khẩu.
Cơ bản nếu muốn ổn định tỷ giá thì chúng ta phải chấp nhận một mặt bằng lãi suất cao hơn để hạn chế dòng tiền chảy ra khỏi quốc gia, cũng đồng nghĩa với việc hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế. Còn việc cứ dùng dự trữ ngoại hối để ổn định thì không bao nhiêu là đủ và chúng ta sẽ rơi vào vòng xoáy như các quốc gia châu Á trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997, khi họ dùng đến đồng dự trữ ngoại hối cuối cùng để ổn định tỷ giá và sau đó buộc phải tuyên bố phá giá đồng nội tệ.
Như ông cũng mới đề cập đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi đó, dòng vốn đã chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sang Mỹ sau khi Fed tăng mạnh lãi suất. Vậy với diễn biến thị trường hiện nay, liệu có kịch bản xấu tác động đến dòng vốn ngoại đảo chiều và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong thời gian tới không thưa ông?
Theo tôi sẽ khó có kịch bản đó xảy ra trừ khi là yếu tố chính trị thế giới quá bi quan, còn lại thì sẽ khó có việc rút vốn ồ ạt và tỷ giá cũng không có cơ sở để tăng mạnh nếu như Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ động điều hành chính sách tiền tệ như hiện nay. Bên cạnh đó, nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tốt. Việt Nam cũng đang là điểm đến của dòng vốn FDI trên thế giới.
Về phía thị trường chứng khoán, khối ngoại đã bán ròng trong suốt 2 năm đại dịch và gần đây lại có xu hướng mua lại. Động lực tăng trưởng của thị trường trong 2 năm qua không đến từ khối ngoại mà chủ yếu là đến từ 5 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân nội địa được mở mới. Do vậy, nếu có sự rút vốn ồ ạt thì cũng không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Vấn đề đáng lo nhất là thị trường đang thiếu minh bạch và làm mất lòng tin với nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế. Điều này sẽ làm cản trở sự phát triển của thị trường trong trung hạn.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại, doanh nghiệp đã đẩy mạnh huy động vốn quốc tế nhằm tận dụng nguồn vốn rẻ. Tuy nhiên, với xu hướng tăng lãi suất và tỷ giá như hiện nay, ông có bình luận gì về vấn đề này? Các doanh nghiệp đang huy động nguồn vốn quốc tế cần chuẩn bị tâm thế gì trong bối cảnh thị trường như hiện nay?
Rõ ràng, với rủi ro tỷ giá và mặt bằng lãi suất toàn thế giới tăng cao như hiện nay thì khó để tìm kiếm được dòng vốn giá rẻ từ nước ngoài. Vì chúng ta luôn phải huy động với chi phí cao hơn các quốc gia phát triển, do có độ rủi ro cao hơn (phần chênh lệch đó gọi là phần bù rủi ro) cộng với lại rủi ro trượt giá của VNĐ thì tính ra cũng không còn rẻ nữa.
Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cần nhìn nhận thực tế là chúng ta đã trải qua thời kỳ "tiền rẻ" và bắt đầu bước sang thời kỳ "tiền đắt" (tức chi phí để có được tiền sẽ cao hơn rất nhiều). Do đó, cần đưa ra những chiến lược ứng phó cho phù hợp trong hoàn cảnh mới. Và với việc Fed vẫn giữ nguyên quan điểm thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát thì xu hướng "tiền đắt" trên toàn cầu sẽ được duy trì ít nhất là trong trung hạn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!