Toàn bộ nhóm nông sản và một số mặt hàng nhóm Công nghiệp tại các Sở giao dịch của Mỹ đóng cửa nhân ngày Kỷ niệm Sinh nhật của Martin Luther King, khiến cho tổng giá trị giao dịch toàn Sở giảm mạnh về mức 1.500 tỉ đồng.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên hôm qua khi giới đầu tư tiếp tục tập trung vào các vấn đề trong nguồn cung năm nay. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0,54% lên 83,75 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0,55% lên 86,53 USD/thùng.
Bất chấp sản lượng dầu thô của Libya và Kazakhstan đã phục về gần mức bình thường trong tuần này, tuy nhiên các bất ổn chính trị tại đây khiến cho rủi ro nguồn cung dầu tại Trung Đông bị gián đoạn trong tương lai vẫn duy trì. Tiêu biểu nhất là cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tầu chở nhiên liệu tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất UAE chiều hôm qua.
Do vậy, có thể thấy trong năm nay các rủi ro địa chính trị của Trung Đông sẽ quay trở lại thành “điểm nóng” trên thị trường dầu. Bên cạnh đó là khả năng đối đầu giữa Nga và Ukraine ngày càng cao có thể khiến cho Mỹ và châu Âu đối đầu với Nga.
Bất chấp các rủi ro về nguồn cung ngày càng tăng đã đẩy giá dầu lên mức đỉnh 3 tháng, việc bộ trưởng Saudi Arabia tuyên bố sẽ không tăng sản lượng dầu để bù đắp sự thiếu hụt của các thành viên khác cho thấy hy vọng các nước tiêu thụ có thể trông cậy vào OPEC+ để giữ cho nguồn cung dầu thế giới ổn định là rất thấp. Đây là dấu hiệu cho thấy rủi ro tăng của dầu thô vẫn còn rất lớn trong năm nay.
Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 12 nước ta đã nhập khẩu hơn 1 triệu tấn dầu thô, tăng gần 35% so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế nhập khẩu vẫn giảm 15% so với năm 2020, đạt gần 10 triệu tấn; còn kim ngạch nhập khẩu cả năm tăng 35% lên mức 5,1 tỷ USD. Chiều ngược lại, Việt Nam chỉ xuất khẩu 218.111 tấn dầu thô trong tháng 12, nâng lũy kế xuất khẩu năm 2021 lên mức 3,1 triệu tấn, giảm 33% so với năm trước.