Giảm nhiều mức phí, lệ phí
Theo Bộ Tài chính, dự báo kinh tế năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong nước gặp khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải... Do đó, Bộ Tài chính nhận định cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Mới đây, trong dự thảo thông tư quy định mức thu của các loại phí, lệ phí được lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục giảm mức thu của 29 loại phí, lệ phí kéo dài từ ngày 1/7 đến hết năm nay, thay vì hạn cuối là ngày 30/6 như hiện hành. Kể từ ngày 1/1/2022 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí sẽ thực hiện như thời điểm trước khi chưa có dịch COVID-19.
Nếu chính sách được Chính phủ thông qua, 29 khoản phí, lệ phí sẽ được tiếp tục giảm đến hết năm 2021. Trong đó, nhiều mức phí, lệ phí giảm cao như: Giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức thu phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50 - 70% mức thu phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...Các thông tư giảm phí, lệ phí có hiệu lực thi hành đến hết năm 2021.
Cùng với việc xây dựng, triển khai các giải pháp về chính sách nêu trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành Tài chính. Trong đó, đặc biệt cải cách các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp..., góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh để doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.
Hiện có rất nhiều khoản thuế đang được gia hạn, giảm để hỗ trợ các doanh nghiệp. Ví dụ: Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 hỗ trợ ngành hàng không, với số tiền ước tính giảm khoảng 900 tỷ đồng. Hay như việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho năm 2020 và 2021, ước tính số tiền thuế doanh nghiệp được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỷ đồng/năm.
Kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; ước tính số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.
“Việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua đã có tác động khá tích cực đến hoạt động của nghiệp. Đặc biệt, việc giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động; giảm phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động…nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Tuy nhiên theo ông Đậu Anh Tuấn, không chỉ trông chờ vào chính sách giam thuế, phí, điều các doanh nghiệp mong mỏi về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 được kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh với cải tiến về thời gian làm thủ tục, cắt giảm nghĩa vụ làm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về kê khai và nộp thuế điện tử; bổ sung quy định về quyền được thông tin về thanh, kiểm tra…“Tuy nhiên, trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm thuế (23% doanh nghiệpgặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế, việc giảm phí, lệ phí của Bộ Tài chính có hiệu ứng tích cực nhưng chưa hẳn giải quyết khó khăn khi các quy định về thủ tục vẫn cứng nhắc, đặc biệt trong kiểm tra chuyên ngành. Đơn cử có mặt hàng vẫn qua 2 - 3 lần kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm...Chẳng hạn, giảm phí kiểm tra lô hàng nhập khẩu, nhưng lô bột mì phải có 3 tờ giấy trên, hay sữa bột phải có giấy kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Như vậy, cùng một sản phẩm, cùng một mục đích nhưng doanh nghiệp phải trả chi phí kiểm tra xét nghiệm 2 - 3 nơi, khiến doanh nghiêp phát sinh thêm nhiều chi phí.