Doanh nghiệp tiếp tục bị "tổn thương"
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại hồi cuối tháng 7/2020, Ban IV vừa khảo sát lần 3 với gần 400 doanh nghiệp và 15 hiệp hội về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu để trình Thủ tướng Chính phủ. Kết quả: 20% doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi và 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch.
Những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình hiện nay và những tháng tới là: Không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ (chiếm 81% câu trả lời); đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (chiếm 72%); trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (chiếm 53%); trả tiền điện nước - nhiên liệu đầu vào (chiếm 45%) và trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị (chiếm 42%).
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, một số hiệp hội doanh nghiệp phản ánh: Tiền thuê đất phải trả năm 2020 tăng đột biến bởi một số điều chỉnh chính sách, cách tính giá thuê đất... buộc những doanh nghiệp sử dụng quỹ đất lớn, như doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, nhà xưởng, thuê đất đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến hoặc kinh doanh khách sạn phải nộp tiền thuê tăng từ vài chục phần trăm tới mấy trăm phần trăm.
Dịch COVID-19 cũng đã làm nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán hoặc phải chậm thanh toán. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền vào của doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và cung cấp dịch vụ.
Thực trạng khó khăn này hơn 47% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải cắt giảm lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động chiếm tới 1/3 số doanh nghiệp trả lời. Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) có 20% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 10% doanh nghiệp giải thể. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé sa thải 100% lao động, doanh nghiệp lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% lao động…Ngoài ra đề xuất giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2020, thậm chí kéo dài sang năm 2021 và gia hạn thời gian đóng so với quy định hiện hành…
Để kích cầu tiêu dùng, đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), Ban IV đề xuất giảm mức thuế suất từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.
Về chính sách tín dụng, Ban IV đề xuất ngân hàng mở rộng hình thức vay tín chấp, tiếp tục ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ...Doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp logistics (một phần của quản trị chuỗi cung ứng) mong muốn được áp dụng mức giá điện như ngành sản xuất thay vì giá điện dịch vụ như hiện nay trong điều kiện ngành điện chưa ban hành khung giá điện mới, hỗ trợ doanh nghiệp chống chọi vượt qua đại dịch COVID-19.
“Cùng với chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, triển khai các biện pháp quyết liệt thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng tốt hơn các cơ hội từ dòng vốn này. Doanh nghiệp được giải phóng khỏi những khó khăn chồng chất, nền kinh tế sẽ không phải hứng chịu nhiều hậu quả khó khắc phục trong những năm tới, gián tiếp kích thích tăng trưởng kinh tế”, đại diện Ban IV khẳng định.
Giảm khoản đóng góp của doanh nghiệp, tăng hỗ trợ cho người lao động
Theo Ban IV, các quyết sách và cơ chế thực thi chính sách tháo gỡ khó khăn cần phải nhanh, minh bạch, thuận tiện, chú trọng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh áp dụng chế tài mạnh với các khâu thực thi đi ngược chủ trương "tạo thuận lợi" của Chính phủ để gia tăng hiệu quả chính sách. Đặc biệt là khâu rà soát các chính sách đã ban hành trong gói hỗ trợ lần 1 để điều chỉnh, giảm tải các quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà, bất hợp lý.
Báo cáo tình hình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2020 mới đây của Tổng cục Thống kê, đà phục hồi của sản xuất công nghiệp trong tháng 8 đã chững lại, khi dịch COVID-19 vẫn phức tạp trên toàn cầu làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái là 9,5%; đây cũng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Do sự bùng phát trở lại của dịch tại thị trường nội địa, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2020 cũng có xu hướng giảm với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 2,7% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%.
Theo các chuyên gia kinh tế, ưu tiên hàng đầu hiện nay là chống dịch nhưng không để đứt gãy nền kinh tế, giữ vững cân đối vĩ mô. Nỗ lực tăng trưởng ở mức cao nhất có thể là rất quan trọng vì nó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến công ăn việc làm, thu nhập người lao động và đời sống người dân. “Lúc này cần đưa ra những giải pháp hợp lý nhất, cân bằng, đủ quyết liệt, gọn gàng trong cách chống dịch nhưng nền kinh tế không bị tê liệt”, TS Võ Trí Thành - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói.
Để nền kinh tế không đứt gãy, không tê liệt, một gói hỗ trợ và kích thích kinh tế mới cũng đã được bàn đến. Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế thứ 2 (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn) cần được triển khai nhanh và quy mô đủ lớn, có điểm nhấn, đúng đối tượng mới có thể hỗ trợ được nền kinh tế vượt qua khó khăn hiện nay.
Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), gói hỗ trợ tiếp theo vẫn nên chú trọng từ chính sách tài khóa, tức là tiếp tục giảm các khoản đóng góp của doanh nghiệp với ngân sách Nhà nước và tăng hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên, cách tiếp cận nhóm đối tượng theo các tiêu chí cụ thể trước đây về doanh thu, số lao động gây khó và làm chậm việc thụ hưởng chính sách. Vì thế, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp yếu chưa kịp nhận hỗ trợ thì đã dừng hoạt động. Từ kinh nghiệm đó, có thể thay đổi cách tiếp cận theo hướng rộng hơn, chẳng hạn hỗ trợ các doanh nghiệp trong một hoặc một số lĩnh vực nào đó chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19.
Còn về chính sách tiền tệ, theo ông Đinh Tuấn Minh, không nên và cũng không thể can thiệp vào hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần bởi họ là những doanh nghiệp cũng chịu tác động của dịch COVID-19. “Trong mọi hoàn cảnh, doanh nghiệp là nguồn sống của ngân hàng nên các ngân hàng sẽ tìm cách chọn lọc và hỗ trợ khách hàng của họ một cách phù hợp nhất”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo TS Võ Trí Thành, nếu có chính sách bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương gồm khu vực phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị tác động nghiêm trọng bởi COVID-19... thì kinh tế về cơ bản sẽ duy trì được tăng trưởng thấp, nhưng cũng sẽ không đến mức suy thoái. Dự kiến tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở khoảng 2%.
“Tăng trưởng GDP năm nay loanh quanh ở ngưỡng 2%”, song TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Chính sách hỗ trợ cần phải bài bản, dài hạn với 2 định hướng: Một là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, đi kèm với đó là miễn, giảm thuế; hai là các chính sách hướng tới thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. “Chính sách hỗ trợ phải tính đến việc tận dụng cơ hội mới thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Trong khi nguồn lực có hạn không thể hỗ trợ tất cả, thì gói hỗ trợ lần này nên ưu tiên tới người lao động và nhóm người bị tổn thương, hỗ trợ những doanh nghiệp ở bên thắng cuộc khi dịch bệnh qua đi”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.