Theo Rystad, cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 hiện nay ở Ấn Độ - một trong những quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu khoảng 575.000 thùng/ngày trong tháng 4 và khoảng 915.000 thùng/ngày trong tháng 5. Điều này sẽ làm xáo trộn thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện gần ở trạng thái cân bằng.
Trên thực tế, mức tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ đã tăng trong tháng 3 và đây cũng là lần tăng đầu đầu tiên trong tháng 3 với mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/2019 nhờ hoạt động kinh tế dần tăng trở lại.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi số ca lây nhiễm tại Ấn Độ liên tục tăng cao theo ngày, hoạt động đi lại hay di chuyển của người dân sẽ hạn chế theo và từ đó khiến nhu cầu dầu mỏ giảm sút.
Theo báo cáo ngày 29/4 của Bộ Y tế Ấn Độ, ngày 29/4, Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước cho tới nay 3.645 ca, trong khi số ca nhiễm tăng thêm 379.257 ca. Thực tế này sẽ dẫn đến hậu quả là mọi hoạt động đi lại, di chuyển trên khắp đất nước đều bị hạn chế. Rystad cho rằng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt bất ngờ được ban hành thực hiện tại một số địa phương trong vài ngày qua sẽ làm giảm 13% nhu cầu đi lại tại Ấn Độ trong tháng 4/2021 so với tháng trước đó.
Trong khi đó tại cuộc họp đầu tuần này, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đối tác là Nga và các đồng minh vẫn chưa thống nhất kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế sản xuất dầu được thực hiện trong tháng 5 đến tháng 7 tới, sau khi OPEC nâng nhẹ mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu vào năm 2021 lên 6 triệu thùng/ngày.
Trước đó, trong cuộc họp hồi tháng 3, các nước thành viên OPEC+ đã nhất trí gia hạn phần lớn cắt giảm sản lượng trong tháng 4 do liên minh dầu mỏ này cho rằng nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” vẫn còn yếu trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Quyết định này của OPEC+ đồng nghĩa liên minh dầu mỏ này thực hiện cắt giảm tổng cộng khoảng 7 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2021, ít hơn mức 7,05 triệu thùng/ngày của tháng 3 và 7,125 triệu thùng/ngày trong tháng 2 vừa qua.