Chiều 3/4, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Tính đến hôm nay là ngày thứ 3 thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của UBND thành phố về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị đủ lượng hàng hóa cho người dân. Đồng thời, rà soát các đơn vị đã đăng ký với Sở về dự trữ hàng hóa.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cùng một số tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát về nguồn cung sản xuất lương thực thực phẩm nhằm cân đối cung cầu.
Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối với các Sở khu vực phía Bắc như: Hải Dương, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La và đảm bảo nguồn cung các mặt hàng rau củ quả dồi dào.
Đối với mặt hàng gạo, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, riêng Hapro đăng ký dự trữ được 500 nghìn tấn. Ngoài ra, khuyến khích người dân tăng cường tiêu thụ các mặt hàng thủy hải sản do xuất khẩu giảm và các nhà hàng, khách sạn đóng cửa; qua đó, tạo điều kiện doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Bà Trần Thị Phương Lan, khẳng định tất cả nguồn cung về với Hà Nội rất dồi dào và lưu ý các doanh nghiệp đảm bảo lưu thông hàng hóa từ kho đến các kệ và gian hàng một cách đầy đủ.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, tại các cửa hàng, siêu thị có thể hết hàng do lượng tiêu thụ nhiều vào ban ngày, nhưng 5h sáng sẽ vẫn đảm bảo đầy đủ hàng hóa tươi ngon.
Về hiện tượng một số tiểu thương tự ý nâng giá thịt lợn vào ngày 2/4, Sở Công Thương đã kịp thời nắm bắt tình hình. Đến sáng 3/4, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc đề nghị quản lý thị trường phối hợp tăng cường kiểm tra, đảm bảo bán đúng giá ở các chợ truyền thống, tránh việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề xuất cơ quan chức năng địa phương phối hợp kiểm soát tốt hiện tượng này để đảm bảo cung ứng hàng hóa cũng như bình ổn giá cả trong giai đoạn dịch bệnh; tuyên truyền cho người dân, nâng cao nhận thức không mua hàng dự trữ.
Đối với lưu thông hàng hóa, do Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nên một số tỉnh có các cách làm khác nhau và Sở Công Thương cũng nhận được một số phản ánh với các doanh nghiệp khi lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh với Hà Nội và ngược lại có tình trạng bị kiểm soát xe và phải dừng lại nhiều tiếng.
Ngoài ra, Sở Công thương đã báo cáo với Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội để đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an đề nghị chỉ đạo các UBND các tỉnh thành, thống nhất phương thức triển khai thực hiện theo đúng Chỉ thị nhưng vẫn đảm bảo hàng hóa thiết yếu được lưu thông bình thường…
Tại tỉnh Kiên Giang, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết: Đến nay tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ nguồn và số lượng hàng hóa thiết yếu đảm bảo cung ứng cho nhân dân trên địa bàn mua sắm tiêu dùng trong phòng, chống dịch COVID-19, gắn với tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên mua hàng tích trữ do lo sợ thiếu hụt, khan hiếm, giá tăng cao…
Theo Sở Công Thương Kiên Giang, trước đó tỉnh đã có phương án chuẩn bị nguồn và số lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp nhiều lần so với chuẩn bị hàng hóa vào dịp Tết Nguyên đán do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Chính vì vậy, mặc dù tỉnh có hàng chục trung tâm thương mại, siêu thị, điểm bách hóa xanh, cửa hàng, cơ sở kinh doanh quy mô lớn và gần 150 chợ lớn nhỏ nhưng lượng hàng hoá vẫn đầy đủ, phong phú về chủng loại đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng.
Hơn nữa, thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 nhưng các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu, hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng… vẫn duy trì hoạt động bình thường phục vụ nhân dân.
Ông Ngô Công Tước, Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho biết: Ngay từ khi vào chiến dịch “chống dịch như chống giặc”, ngành công thương được giao nhiệm vụ chuẩn bị hậu cần với đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu để chống dịch trên địa bàn.
Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh hệ thống siêu thị, cửa hàng cũng có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, xăng dầu, khí hóa lỏng… phục vụ nhân dân.
Sở Công Thương còn hợp đồng, ký kết cụ thể với các đơn vị này về nguồn hàng, số lượng, chủng loại và phân công đảm trách phân phối hàng hóa cho từng địa phương, khu vực ở vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng và vùng biển đảo khi tình huống xấu, bất lợi xảy ra.
Đặc biệt, các ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xăng dầu, khí hóa lỏng… nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống cháy nổ. Vận động nhân dân hạn chế đến các điểm mua bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 và nên mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.
Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình diễn biến cung cầu hàng hóa trên địa bàn, kịp thời đề xuất Sở Công Thương đưa hàng hóa về cung ứng cho địa phương, không để xảy ra biến động bất ổn thị trường.
Tỉnh cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường Kiên Giang chỉ đạo các Đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hệ thống phân phối, nhất là tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống; xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, đầu cơ, nâng giá, không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết…
Đáng lưu ý, tỉnh xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng là hàng hóa thiết yếu dùng để phục vụ phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Qua khảo sát, những ngày qua thị trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cơ bản ổn định, không khan hiếm, sốt giá hàng hóa, không xảy ra tình trạng người dân đổ xô mua dự trữ một số hàng hóa thiết yếu như: gạo, mì gói, đường, sữa, cá hộp, thịt hộp, bột ngọt, hạt nêm, nước chấm....