Hơn mười ngày nay, ông Trương Phú Điệp (phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh) vẫn phải đều đặn ra lồng nuôi cho tôm hùm ăn dù chúng đã đến kỳ xuất bán. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thương lái hầu như không đến mua để xuất khẩu đi Trung Quốc như mọi khi, gần 20 lồng tôm hùm với sản lượng khoảng 20.000 con của ông gặp khó về đầu ra.
Theo ông Điệp, thay vì cho ăn đều đặn mỗi ngày như trước, hiện nay ông phải giảm bớt tần suất để cắt giảm chi phí. Đồng thời, phải tìm thêm mối bán lẻ thay vì chờ đợi thương lái đến gom mua. “Khách đặt vài kg là tôi cũng đóng thùng gửi đi, giá cao hơn một chút so với bán sỉ. Tính ra với mức giá hiện nay, bà con chỉ lỗ thôi chứ không thể nào lời, có người còn mất cả tiền vốn”, ông Điệp nói.
Tương tự, thời điểm sau Tết, gia đình ông Trần Văn Lực cũng ở phường Cam Linh còn khoảng 4.000 con tôm hùm chờ xuất bán. Với mức giá xuống thấp từ 330.000 - 500.000 đồng/kg tôm hùm xanh (loại 3-4 con/kg), gia đình ông không dám thu hoạch mà vẫn nuôi cầm cự, chờ giá tôm nhích lên mới xuất bán để tránh thua lỗ.
Ông Lực cho biết, từ khi dịch bệnh COVID - 19 xảy ra, thương lái không thu mua tôm để xuất khẩu nữa mà chỉ tiêu thụ cho thị trường nội địa nhưng cũng rất chậm. Dù theo nghề nuôi tôm hùm hơn mười mấy năm qua nhưng chưa bao giờ ông thấy khó khăn như hiện nay.
Cam Ranh là 1 trong 2 địa bàn nuôi tôm hùm trọng điểm của tỉnh Khánh Hoà, nổi danh với đặc sản tôm hùm Bình Ba. Theo Phòng Kinh tế thành phố Cam Ranh, thành phố có khoảng 40.000 lồng nuôi tôm hùm với sản lượng hàng năm gần 4.000 tấn, doanh thu ước tính 1.600 tỷ đồng/năm. Do dịch COVID - 19, thời điểm sau Tết đến giữa tháng 2, người dân mới tiêu thụ được khoảng 300 tấn với mức giá rất thấp, dao động từ 400.000 – 500.000 đồng/kg. Hiện nay, Phòng Kinh tế Cam Ranh vẫn chưa thống kê đầy đủ tổng sản lượng tôm hùm đang vào kỳ thu hoạch nhưng ước tính có đến hàng trăm tấn đang còn tồn đọng.
Những ngày qua, không khó để chứng kiến các cuộc “giải cứu” tôm hùm bằng hình thức bán tôm giá rẻ qua mạng xã hội, hệ thống siêu thị, cửa hàng hải sản… ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, cấp bách chứ không mang tính ổn định lâu dài.
Ông Trương Phú Điệp cho biết, điều người dân cần là có một công ty nào đó có thể đứng ra làm hợp đồng thu mua với mức giá ổn định. Họ có thể xuất khẩu từ nước này sang nước khác mà không bị hạn chế ở một thị trường nào, có như vậy người nuôi tôm mới đỡ bấp bênh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh, trước những khó khăn của người dân, thành phố sẽ làm việc với các thương lái thu mua tôm, khuyến khích họ tìm thị trường trong nước để tăng tiêu thụ cho người dân. Đồng thời, cũng khuyến cáo với người nuôi tôm tiếp tục duy trì lồng nuôi đối với tôm có thể nuôi dự trữ, chờ qua đợt dịch bệnh COVID - 19 sẽ xuất bán.
“Theo tôi, để giải quyết căn cơ vấn đề này cần có những giải pháp lâu dài như phát triển hệ thống doanh nghiệp sơ chế, chế biến tôm hùm để tăng đầu mối tiêu thụ cho nông dân; các ban ngành cũng đề nghị các ngân hàng hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ cho người vay vốn nuôi tôm hùm giúp họ vượt qua khó khăn hiện tại”, ông Sơn cho biết.