Từng là loại dưa mang lại thu nhập cao và là thu nhập chính cho người dân xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc trong nhiều năm qua, nhưng đến nay số dưa này lại có nguy cơ trở thành gánh nặng cho một số hộ gia đình khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sức mua giảm mạnh trong khoảng 15 ngày trở lại đây khiến nhiều người vay tiền đầu tư nhưng đành chấp nhận bán lỗ, bán tháo.
Những ngày qua, hàng chục hộ dân trồng dưa lưới tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc tìm mỏi mắt không thấy thương lái đâu đến thu mua dưa, hoặc thương lái tới thu mua cũng rất cầm chừng chưa được một phần ba so với vụ trước. Cộng với việc giá giảm mạnh khiến nhiều ruộng dưa vẫn còn trơ trọi quả giữa cái nắng như thiêu như đốt của cao điểm mùa khô, nhiều trái đã bị hư thối, nông dân đành phải vứt bỏ.
May mắn tìm được một thương lái thu mua, từ sáng sớm ông Nguyễn Văn Chung, ngụ ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận đã huy động các thành viên trong gia đình dậy tranh thủ cắt dưa để chở ra xe. Những vụ trước, với 2,5ha chuyên trồng dưa lưới và dưa vàng kim đã cho năng suất, giá thành cao, gia đình ông Chung thu về khoảng 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí, nhưng năm nay thì chỉ mong bán thu hồi được vốn, tuy nhiên mong ước đó cũng là điều xa xỉ khi giá mỗi ngày một giảm.
Theo ông Chung, các vụ trước người trồng có thể bán được với giá 20.000 đồng/kg đến 22.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 10.000 đồng/kg. Giá thấp, bà con chấp nhận lỗ những nghịch lý là không có nhiều thương lái thu mua. Khoảng 40 tấn dưa của ông Chung đều đang đến ngày thu hoạch nhưng nhiều ngày qua ông chỉ bán được vài ba tấn cầm chừng.
“3 tháng trồng, chúng tôi bỏ ra chi phí gần 400 triệu nhưng với giá bán này may mắn lắm thì chỉ thu về chỉ được khoảng 200 triệu, đó là may mắn bán được hết dưa, còn với tình trạng hiện giờ không biết có còn được nổi từng đó tiền không”, ông Chung nhìn cánh đồng dưa chưa thu hoạch hết mà lo lắng, xót xa.
Cùng cảnh ngộ, cách đó không xa gia đình chị Đỗ Thị Mai cũng đứng ngồi không yên khi nhìn hàng nghìn quả dưa thối ngay trên ruộng mà người mua thì cầm chừng, lựa trái lớn, đẹp mới chịu mua. Dưa của hộ chị Mai quả to đều nhưng chị cũng chỉ bán được với giá 11.000 đồng/kg, chị đầu tư 400 triệu nhưng thu về may ra chỉ được khoảng 100 triệu đồng “nắng nóng, dưa đã quá kỳ thu hoạch nên chín nhưng không có người mua, thi nhau thối hết, nhiều người dùng xe đến tại vườn xin quả thối mang về cho gà, vịt, bò ăn. Chỉ trong 10 ngày, dưa ở ruộng đã thối mất khoảng 50% rồi”, chị Mai buồn bã kể.
Theo người dân, ngoài việc nắng hạn kéo dài từ nhiều tháng nay khiến năng suất giảm thì vấn đề dịch COVID-19 đang bùng phát là nguyên nhân chính khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh, người trông dưa lưới chịu ảnh hưởng nặng nề. Các vụ trước được giá, thu lãi cao nên nhiều nông dân đã vay vốn để tăng diện tích, đầu tư hệ thống tưới tiêu, kênh thoát nước bài bản. Nay không thể tiêu thụ được dưa, nhiều người lại lâm vào cảnh nợ nần.
Một thương lái đang thu mua dưa tại vườn chị Mai cho biết, những vụ trước mỗi ngày thu của người dân khoảng 7 tấn dưa thì nay chỉ lấy khoảng 1 tấn, giá cũng giảm hơn rất nhiều, nên người mua cũng phải lựa quả to đều, đẹp mới mua cho dễ tiêu thụ. “Chúng tôi cũng muốn mua cho bà con nhưng giờ dịch bệnh thế này, bán ra không được, mua nhiều về để hư hết thì ai bù lỗ cho đây”. Theo thương lái này, số dưa mua về đưa đến chợ đầu mối Thủ Đức để tiêu thụ, nhưng giờ sức mua chưa được một phần ba của thời điểm chưa có dịch Covid-19 nên cho dù người bán có cho không cũng không dám chở.
Chị Nguyễn Thị Kim Hiền – Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cho biết, toàn xã Phước Thuận hiện có khoảng hơn 40ha dưa lưới đang đến kỳ thu hoạch. Đây là loại cây trồng truyền thống đã nhiều năm qua của bà con nông dân trên địa bàn xã Phước Thuận, đã mang lại kinh tế cao và giải quyết công ăn, việc làm cho lao động của xã nhưng hiện giờ chưa tiêu thụ được bao nhiêu, thương lái thu mua rất cầm chừng, mặc dù bây giờ đây mới chỉ bước vào đầu vụ thu hoạch dưa lưới, mấy ngày nữa bà con sẽ thu hoạch rộ mà tình trạng đã như bây giờ, khiến nhiều bà con nông dân rất lo lắng không yên. Bên cạnh đó, cũng còn khoảng 10 ngày nữa cũng sẽ đến kỳ thu hoạch rộ dưa hấu của bà con nông dân khu vực này, với khoảng 10ha, nguy cơ không có đầu ra là rất cao.
Trước tình trạng dưa ế ẩm, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện ngành nông nghiệp cũng mới nắm được thông tin về việc dưa lưới ùn ứ, không tiêu thụ được, Sở sẽ tiến hành kiểm tra thực tế và làm việc với Sở Công thương tỉnh bàn về chương trình hỗ trợ tiêu thụ. Về lâu dài, ngành nông nghiệp sẽ điều tiết sản xuất nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, khuyến cáo bà con nông dân không sản xuất ồ ạt để tránh tình trạng dư thừa nguồn hàng.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phương pháp canh tác phù hợp với thời tiết; ứng dụng khoa học, công nghệ vào trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học mà thay vào đó là dùng nhiều phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng đầu tư phát triển mạnh mô hình du lịch vườn. Qua đó, không chỉ hứa hẹn có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách mà còn phát triển nông nghiệp một cách bền vững, từ quy hoạch diện tích đến năng suất, sản lượng và chất lượng.
Ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hiện đang rà soát thông tin về sản xuất (diện tích, năng suất, chất lượng, sản lượng…); tiến độ thu hoạch; phối hợp theo dõi tình hình giao dịch mua bán trong và ngoài nước của các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói/chế biến trên địa bàn đối với nông thủy sản, trái cây, đặc biệt là với các đối tác Trung Quốc để có phương án xử lý phù hợp. Đồng thời, Sở Công Thương triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ trong nước đối với các mặt hàng trái cây đang chính vụ thu hoạch.