Nửa chặng đường của năm 2019 đã đi qua, với nhiều biến động của tình hình kinh tế thế giới, nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn trong tầm kiểm soát. Do đó, niềm tin vào khả năng can thiệp của nhà điều hành đối với thị trường ngày càng cao.
Kiểm soát tốt tình hình
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định: Những biến động trong 6 tháng đầu năm nay rất khó dự đoán trên thị trường quốc tế cũng như trong khu vực, nhưng ngành ngân hàng đã chủ động và linh hoạt để có những giải pháp nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ. Chính vì vậy, tỷ giá trung tâm điều hành trong 6 tháng đầu năm mới điều chỉnh 1% và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng như liên ngân hàng được điều chỉnh mức từ 0,3 – 0,4%. Điều đó cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát tốt tình hình.
Khẳng định tất cả các nhu cầu về ngoại tệ của nền kinh tế đều được cân đối đầy đủ, Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định, mặc dù thị trường có những biến động bên ngoài nhưng hoàn toàn có đầy đủ những công cụ để có thể kiểm soát tốt tỷ giá. Trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng ngoại tệ rất lớn, đưa tổng dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay.
“Đây là cơ sở để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thời gian qua nâng hạng tín nhiệm đối với Việt Nam nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng. Điều này cũng tăng cường tiềm lực, tạo bước đệm để xử lý các tác động bất lợi từ bên ngoài”, Thống đốc nói.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ giá có một đợt "dậy sóng" vào cuối tháng 4. Tỷ giá trung tâm liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại cũng bất ngờ "leo" lên mức cao.
Nguyên nhân của "đợt sóng" này là do những thông tin về đàm phán thương mại Mỹ - Trung hối cuối tháng 4 làm gia tăng quan ngại thị trường về khả năng xung đột thương mại quốc tế diễn biến tiêu cực, đồng thời việc đồng Nhân dân tệ (CNY) tiếp tục giảm giá đã tác động mạnh tới tâm lý thị trường ngoại tệ trong nước, từ đó gây áp lực tới tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó cũng khẳng định, nếu cần thiết cơ quan này sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với giá bán phù hợp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ngay sau khi thông điệp này được phát đi, thị trường ngoại hối đã giảm nhiệt, giá USD tại các ngân hàng thương mại ngay lập tức được "ghìm cương".
Những công cụ linh hoạt
Thực tế thời gian qua cho thấy, các yếu tố gây biến động tỷ giá lại không hoàn toàn xuất phát từ cung cầu trên thị trường ngoại hối Việt Nam mà chủ yếu là do các yếu tố từ bên ngoài như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, điều hành lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tuy vậy, vượt qua những thách thức khó khăn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực thi khá linh hoạt những giải pháp nhằm bình ổn tỷ giá trên thị trường.
Minh chứng rõ nhất là Ngân hàng Nhà nước trong những năm gần đây luôn kiên định với thông điệp về điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhằm ổn định lạm phát, kinh tế vĩ mô. Biện pháp này góp phần làm gia tăng niềm tin của công chúng vào hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước và giá trị nội tệ, giúp ổn định thị trường tài chính nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng.
Nhìn lại khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường ngoại hối trong nước liên tục bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước dường như rất có kinh nghiệm để ứng phó với những tình huống này. Mỗi khi thị trường biến động, nhà điều hành lại phát đi thông điệp có đủ nguồn lực và sẵn sàng bán ngoại hối can thiệp thị trường khi cần.
Điểm khá đặc biệt trong cách thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước so với trước đó là cơ quan này đã sử dụng các công cụ mang tính thị trường hơn là các công cụ mang tính áp đặt hành chính. Điều này thể hiện sự quyết tâm theo đuổi cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt và định hướng thị trường của ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, nâng cao dự trữ ngoại hối quốc gia là một trong những mục tiêu hàng năm của Ngân hàng Nhà nước. Theo giới phân tích, nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất từ trước đến nay là cơ sở để tạo niềm tin của nhà điều hành tới thị trường.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với nguồn dự trữ ngoại hối lớn, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam tiếp tục thặng dư, chính sách thắt chặt cho vay ngoại tệ và chuyển dần sang mua bán ngoại tệ thực hiện theo Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 08/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú là những nhân tố giúp tỷ giá chưa gặp quá nhiều rủi ro trong thời gian còn lại của năm 2019.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích của BVSC cũng dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng sẽ là nguồn cung ngoại tệ tương đối lớn để hỗ trợ tỷ giá trong các tháng tới.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, đồng USD chỉ là 1 trong 8 đồng tiền trong rổ tiền tệ điều hành của Ngân hàng Nhà nước hàng ngày và chính sách tỷ giá từ năm 2016 trở lại đây đã tương đối linh hoạt, bám sát thị trường, chính vì thế tỷ giá được duy trì ổn định trong 3 năm qua.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng thị trường ngoại hối còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và tỷ giá có thể sẽ tăng tiếp. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước nên linh động hơn nữa, tiếp tục sử dụng hai công cụ là chính sách tỷ giá trung tâm và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào để ổn định tỷ giá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra nhiệm vụ đối với ngành ngân hàng trong thời gian tới là phải theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với các cú sốc bên ngoài.