Đồ chay giữ giá, hoa tươi tăng nhẹ
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn quận Bình Thạnh, Thủ Đức hay quận 1, quận 9, quận 3… các cửa hàng bán đồ chay, hoa tươi, trái cây khá nhộn nhịp từ sáng sớm. Năm nay, mặt hàng đắt nhất là trái cây và hoa tươi. Theo đó, thanh long có giá 35.000 - 45.000 đồng/kg, bưởi da xanh 60.000 - 70.000 đồng/kg, cam sành giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, chôm chôm 25.000 - 30.000 đồng/kg… Trong đó, các sản phẩm phục vụ riêng cho thị trường rằm tháng bảy như: bịch bỏng 10.000 - 20.000 đồng/bịch, bánh ít 10.000 - 20.000 đồng/10 cái; combo các loại trái cây cúng như mía, bánh, đậu phụng… giá từ 30.000 - 50.000 đồng/bịch (tùy bịch lớn nhỏ).
Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày rằm tháng bảy, chị Lê Thị Mỹ Uyên (ngụ ở quận Bình Thạnh) lại đi chợ từ sớm để mua các mặt hàng đồ chay về nấu cúng. Chị Uyên cho biết, sợ kẹt xe nên sáng ngày 14/7 âm lịch, chị tranh thủ đưa con đi học sớm rồi tạt ra chợ mua thực phẩm, đồ cúng chay để chuẩn bị cho ngày cúng hôm sau. Bởi theo chị Uyên, sáng ngày rằm sẽ có rất đông các bà nội trợ đi mua đồ về cúng, nhiều mặt hàng như nấm rơm, đậu hũ… năm ngoái cũng đã “cháy hàng”.
Theo chị Uyên, mặt hàng đồ cúng chay năm nay khá đa dạng và được giữ giá khá ổn định. Ngoài các mặt hàng đồ chay quen thuộc như nấm rơm, đậu hũ... các chợ lẻ còn bày bán thêm nhiều thực phẩm chay làm sẵn như chả giò chay, thịt gà chay, thịt bò chay, cá viên chay… với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/gram.
Các mặt hàng thực phẩm chay có giá ổn định trong khi các mặt hàng hoa tươi năm nay tăng giá nhẹ do nguồn cung đang thiếu vì ảnh hưởng bởi thời tiết.
Chị Mỹ Trang, chuyên bán hoa quả, trái cây tại chợ Phước Long B (quận 9) cho biết, các loại hoa tươi cúng rằm năm nay giá tăng nhẹ từ 1.000 - 3.000 đồng/bó. Theo đó, các loại hoa được người dân mua nhiều nhất là hoa cúc vàng có giá 15.000 - 20.000 đồng/bó, cúc kim cương có giá từ 35.000 - 50.000 đồng/bó, hoa cát tường có giá từ 40.000 - 45.000 đồng/bó…
Hàng mã “ế” khách
Trái ngược với tình trạng đông đúc nhộn nhịp ở các chợ, tại chợ vàng mã, các tiểu thương năm nay buôn bán khá ế ẩm.
Chị Đỗ Thị Bé, tiểu thương kinh doanh đồ cúng tại chợ Bình Tây (quận 6) cho biết, kinh doanh nghề này đã gần 20 năm, nhưng chưa năm nào ế ẩm như năm nay. "Mình cũng dự đoán tình hình sẽ không đắt như mọi năm nên đã hạn chế lấy hàng. Từ sáng đến chiều mới có 7 - 8 khách ghé mua hàng, mà cũng chỉ mua vài lá vàng, ít trầu cau cúng ông bà chứ không mua nhiều". Chị Bé cho biết, nếu giờ này năm ngoái chị đã không còn hàng để bán nhưng năm nay hàng của chị Bé vẫn chưa bán được một nửa số hàng nhập về. Hết ngày mai, chắc chị lại phải để dành hàng bán cho những ngày rằm tới.
Theo Nghị định 158 năm 2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nêu rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa.
Theo lý giải của một số tiểu thương, lượng hàng vàng mã năm nay bán ra giảm khá nhiều tại TP Hồ Chí Minh là do người dân đã dần ý thức không nên đốt vàng mã tại các nơi thờ tự và gia đình, vừa nhằm tiết kiệm chi tiêu vừa bảo vệ môi trường. Bởi trước đó, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có công văn vận động, khuyến khích các chùa, tu viện và người dân nên từ bỏ tục đốt vàng mã.
Hơn 3 năm nay, gia đình chị Lý Thị Mai, ngụ ở quận 9, đã từ bỏ tập tục đốt vàng mã tại nhà. Chị Mai cho biết, sau nhiều lần đi chùa được các sư trụ trì thuyết giảng việc đốt vàng mã vừa lãng phí, vừa dễ gây cháy nổ và ảnh hưởng đến môi trường sống, vì vậy 3 năm nay, gia đình chị đã từ bỏ dần tập tục này. “Khoản chi phí hàng năm tôi bỏ ra mua vàng mã tôi đã chuyển sang đi đóng góp cho các chương trình từ thiện của địa phương, bạn bè… để có thể san sẻ chút tấm lòng của mình cho những người khó khăn hơn”, chị Mai cho biết.