Doanh nghiệp du lịch nội 'thất thế' trong kinh doanh trực tuyến

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều ưu thế để phát triển du lịch trực tuyến. Thế nhưng hiện nay, gần 80% thị phần đặt phòng du lịch trực tuyến trong nước đang được các doanh nghiệp nước ngoài khai thác. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp khó về công nghệ và quản lý.

Du lịch bằng điện thoại thông minh

Bãi Khem (Phú Quốc) thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0; trong đó du lịch là một trong rất nhiều ngành chịu nhiều tác động trực tiếp. Theo các nhà chuyên môn, trong tương lai gần, chỉ cần thao tác “một chạm” trên chiếc điện thoại di động thông minh kết nối internet, khách du lịch có thể đăng ký tất cả các dịch vụ ở bất kỳ nơi nào từ phương tiện di chuyển, khách sạn, ăn uống đến vui chơi giải trí… Đây được xem là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược trên toàn thế giới.

Phân tích của ông Phạm Thành Công, đại diện Công ty Nielsen Việt Nam cho hay, tác động của công nghệ số tới hoạt động tiêu dùng đã làm xuất hiện một khái niệm mới là “người tiêu dùng kết nối”. Họ là những người tiêu dùng trẻ, rất tự tin khi kết nối thông tin trên các trang mạng xã hội. Họ sẵn sàng chi tiêu rất nhiều cho các hoạt động mua sắm, giải trí và du lịch.

Với tỷ lệ người trẻ dưới 30 tuổi chiếm đa số, nghiên cứu về hành vi tiêu dùng kết nối tại Việt Nam năm 2017 của Nielsen dự tính, số lượng người tiêu dùng Việt Nam kết nối sẽ tăng từ 23 triệu người (năm 2017) lên đến 46 triệu người (năm 2025), cùng với mức chi tiêu hàng năm đạt gần 100 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2017.

Ông Phạm Thành Công nhấn mạnh, đến năm 2030, lượng truy cập mạng internet của khu vực ASEAN sẽ chiếm 44,6%  trên toàn thế giới. Do đó, ASEAN sẽ là khu vực chủ yếu của cả thế giới dành cho phát triển thương mại điện tử. Cùng với sự tăng trưởng của tầng lớp tiêu dùng kết nối tại Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN nói chung sẽ thúc đẩy ngành du lịch ASEAN phát triển.

Riêng tại Việt Nam, người dân thành thị có nhu cầu kết nối bằng điện thoại và mua sắm trực tuyến những sản phẩm liên quan đến du lịch khá cao. Theo thống kê đo lường tiêu dùng trực tuyến Google (The Consumer Barometer Survey) về số lần sử dụng điện thoại của người Việt Nam, mỗi ngày người Việt Nam xem điện thoại 150 lần, tương ứng 177 phút; trong đó, đến 48% tìm kiếm thông tin khách sạn, 42% tìm du lịch trải nghiệm và 37% tìm thông tin chuyến bay.

Cũng theo Google, tại khu vực Đông Nam Á, du lịch trực tuyến sẽ tăng mạnh từ 22 tỷ USD năm 2015 lên đến 90 tỷ USD vào năm 2025 và Việt Nam sẽ chiếm 10% doanh số của thị trường này, với khoảng 9 tỷ USD. Bà Lê Tú, đại diện của Google Asia Pacific chia sẻ, đây sẽ là cơ hội rất thuận lợi để người làm thương mại du lịch trực tuyến sớm nắm bắt, phát triển.

Cần cơ chế cho doanh nghiệp Việt

Khách du lịch tham quan và trải nghiệm hoạt động sản xuất bánh tráng của người dân địa phương. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Mặc dù sự bùng nổ của công nghệ số tạo cơ hội để người tiêu dùng trong nước mua sắm dịch vụ từ nước ngoài thuận tiện hơn, nhưng điều này cũng dẫn đến các dịch vụ từ nước ngoài dễ dàng thâm nhập thị trường du lịch trực tuyến trong nước.

Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, có hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến tại Việt Nam do các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh như Agoda.com, Trivago.com…, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Trivago-công cụ tìm kiếm khách sạn dành cho khách du lịch. Ảnh chụp màn hình

Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị - Truyền thông, Công ty Du lịch Vietravel cho biết, hiện trên thế giới, thị trường du lịch trực tuyến phát triển khá mạnh mẽ và là thị trường rất hấp dẫn.

Tuy nhiên, so sánh hoạt động doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì nhận thấy rằng, ở nước ngoài, họ đầu tư mạnh về công nghệ, đa dạng kênh truyền thông. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam tuy có đa dạng nguồn sản phẩm nhưng lại thiếu đầu tư về kỹ thuật và công nghệ dẫn đến “miếng bánh” ngon lại khó nuốt.

Hiện tại, Việt Nam có một số doanh nghiệp tập trung đầu tư vào du lịch trực tuyến Việt Nam như chudu.com, tugo.com.vn, ivivu.com… nhưng gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc Marketing Công ty du lịch Tugo cho biết,  có thời điểm công ty phải cầm cố tài sản, đất đai để duy trì hoạt động. Trong khoảng thời gian đó, để cải thiện tình hình, công ty tập trung đầu tư nghiêm túc chiến lược kinh doanh cũng như hình ảnh thương hiệu. Đến nay, hoạt động kinh doanh của công ty đã dần đi vào ổn định. Nhưng để duy trì một cách hiệu quả, hàng tháng công ty phải đầu tư đến hàng tỷ đồng cho chi phí quảng cáo thương hiệu.

Theo ông Nguyễn Duy Vĩ, đa phần các doanh nghiệp du lịch trực tuyến gặp khó ở vấn đề khai báo chi phí quảng cáo. Các doanh nghiệp Việt đều lệ thuộc vào các hệ thống quảng cáo từ các công ty nước ngoài, do đó việc lập hóa đơn để chứng minh phần chi phí doanh nghiệp trong khai báo là khá khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sự khác biệt trong các chính sách về thuế và các ưu đãi đã tạo một lợi thế lớn về giá cho cách doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ, một doanh nghiệp trong nước phải tốn 25% thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng đối với công ty nước ngoài thì sẽ thấp hơn nhiều. Chưa kể các giao dịch với các công ty du lịch trực tuyến nước ngoài đều thông qua các loại thẻ quốc tế và việc này đã vô hình chung tạo sự khó khăn cho các cơ quan quản lý nhưng lại là một lợi thế mà hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài đang khai thác.

“Cần thiết có các quy định cụ thể về thuế, các chế tài với các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ luật chơi tại Việt Nam là điều mà các công ty trong nước mong đợi”, ông Vĩ chia sẻ.

Theo các doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp trong nước cần phải ngồi lại với nhau để có một “luật chơi chung”; trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng chiến lược phát triển bài bản; tập trung xây dựng thương hiệu để tạo niềm tin cho khách hàng. Đối với các công ty du lịch truyền thống, nên nhanh chóng triển khai mảng kinh doanh trực tuyến; đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác cùng ngành, nhằm tạo nên một sức mạnh tổng lực.

Doanh nghiệp Việt cũng cần lưu ý đến vấn đề tối ưu bộ máy quản lý, thay vì sử dụng sức người thì nên dùng công nghệ để phục vụ cho việc quản lý. Tất cả các hệ thống từ booking, kế toán, quản trị phản hồi (complain) của khách hàng…đều được tích hợp trên một phần mềm sẽ giúp công việc hiệu quả hơn, khai thác tối đa sức mạnh công nghệ, hạn chế rủi ro.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch sửa đổi 2017, với nhiều điều khoản giao nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; trong đó ở điểm d, khoản 2, điều 73 có quy định Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kinh doanh du lịch trực tuyến tại Việt Nam có điều kiện thuận lợi phát triển trong thời gian tới.

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất Chính phủ các giải pháp phát triển ngành du lịch để đạt mức tăng trưởng 30%, phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông gồm các giải pháp như đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch và mở rộng danh sách các nước được thí điểm áp dụng cấp thị thực điện tử.

Ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho hay, Tổng cục Du lịch đang đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho triển khai xây dựng Thông tư về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Nếu Thông tư này được chấp thuận và ban hành trong năm nay, sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, cũng như các đối tác trong kinh doanh du lịch trực tuyến.

Gia Thuận (TTXVN)
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch biển, đảo
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch biển, đảo

Du lịch biển, đảo là tiềm năng và thế mạnh của nhiều quốc gia trong phát triển ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, để khai thác nguồn tài nguyên này bền vững cần có sự đầu tư về nguồn nhân lực, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và khai thác hiệu quả dịch vụ du lịch giải trí trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN