Cam kết giữ giá ổn định
Ngay từ đầu tháng 11, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đưa hàng hóa Tết ra thị trường. So với năm ngoái, năm nay lượng hàng hóa Tết không tăng vì doanh nghiệp lo ngại sức mua giảm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị nhiều mẫu mã hàng Tết phong phú, đa dạng phù hợp theo nhu cầu của khách hàng.
Anh Trịnh Trung Tính, CTCP Thực phẩm Econuti cho biết, công ty chuyên sản xuất các loại nước ép trái cây, nước tăng lực thương hiệu YOOH cho thị trường nội địa và gia công trọn gói sản phẩm cho một số thương hiệu trong nước và xuất khẩu. Trung bình mỗi tháng, công ty bán ra thị trường khoảng 5.000 thùng (72.000 lon) và xuất khẩu 20 - 25 container sang Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Năm 2023, công ty bị ảnh hưởng khá nhiều, tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu đều giảm mạnh, mất đến 40% doanh thu so với mấy năm trước. Riêng thị trường Tết, đến thời điểm này, DN giảm đến 50% bao bì Tết thương hiệu YOOH do các nhà phân phối giảm đặt hàng. Đối tác gia công trong nước cũng gặp khó, chỉ 1/10 yêu cầu sản xuất theo mẫu mã Tết, còn lại không thay đổi mẫu mã", anh Trịnh Trung Tính cho biết thêm.
Tương tự, năm nay CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) dành ngân sách hơn 540 tỉ đồng để dự trữ lượng hàng Tết, tương đương sản lượng thực hiện cùng kỳ Tết Quý Mão 2023. Trong đó, công ty chuẩn bị gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Công ty cũng dự trữ thêm từ 10 - 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc VISSAN cho biết, từ tháng 6, công ty đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau Tết. Công ty cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết. Từ nay đến các ngày cận Tết, VISSAN sẽ thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10 - 20% vào các ngày cuối tuần và sẽ nâng mức giảm giá lên đến 30% trong những ngày sát Tết.
Là ngành hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng dự báo, thị trường năm nay rất khó khăn, vì vậy dự kiến sức mua cũng không tăng. Do đó, các DN chỉ dự trữ lượng hàng Tết tăng khoảng 15-20% so với bình thường nhằm phòng trường hợp sức mua tăng đột biến. Tính đến nay, có gần 50 DN trong ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm cũng đã đăng ký với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ bán bình ổn giá 11 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Theo bà Lý Kim Chi, tỷ giá tăng khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của DN lương thực, thực phẩm bị đội lên nhưng trong bối cảnh hiện tại, DN chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí huề vốn để bán được hàng, tham gia bình ổn thị trường. Nhiều DN đã đầu tư số hóa khâu sản xuất, cải tiến logistics để giảm chi phí. Từ nay đến cuối năm, DN đẩy mạnh kích cầu, tham gia tất cả chương trình khuyến mãi của Thành phố phát động với hy vọng cầu thị trường tăng tốt.
Sẵn sàng nguồn hàng
Tính đến nay, các DN bán lẻ cũng đã sẵn sàng nguồn hàng dự trữ để phục vụ thị trường Tết. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart kiêm Giám đốc marketing Saigon Co.op cho biết, đơn vị cũng đã có kế hoạch Tết cách đây hơn 6 tháng để cùng đồng hành, chia sẻ với nhà sản xuất và bảo đảm nguồn hàng, đồng thời tham gia bình ổn thị trường.
Theo đó, Saigon Co.op linh động phối hợp với nhà cung cấp, đối tác nhằm tiết giảm chi phí tối đa và giảm lợi nhuận để mang lại giá cả hợp lý trong dịp Tết sắp tới. Hiện nay, Saigon Co.op đã cùng các nhà cung cấp giảm tối đa chi phí sản xuất để giữ ổn định giá hàng hóa trong ngắn hạn. Từ nay đến ngày 29/11, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cũng tung ra thị trường gần 5.000 sản phẩm được trợ giá dưới hình thức giảm giá trực tiếp, tặng kèm sản phẩm, giảm bằng giá gốc, mua càng nhiều ưu đãi càng lớn… qua đó giúp khách hàng tiết kiệm từ 10 – 50% ngân sách chi tiêu.
Bà Huỳnh Thị Phương Vân, Trưởng Phòng Marketing MM cho biết, đơn vị cũng đã làm việc xong với các nhà cung cấp lớn về nguồn hàng, sản lượng, chương trình khuyến mãi… các tháng Tết. Khác với những năm trước, DN bán lẻ dựa trên nhu cầu mua sắm của khách hàng để lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. Năm nay, hệ thống siêu thị sẽ chủ động làm việc với khách hàng, đặc biệt là những khách hàng lớn để nắm bắt nhu cầu mua hàng trước khi làm việc với nhà sản xuất chuẩn bị nguồn hàng. Nhà bán lẻ này cũng chủ động nhập khẩu trực tiếp nhiều loại trái cây, bánh kẹo... phân khúc giá bình dân để đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng.
"Năm nay, lần đầu tiên siêu thị sẽ mời khách hàng đến các trung tâm phân phối trong hệ thống để giới thiệu hàng hóa, các chương trình khuyến mãi Tết nhằm giúp khách hàng chủ động kế hoạch mua sắm mùa Tết hợp lý với giá cả tốt hơn", bà Phương Vân cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh dự báo, sức mua mùa Tết Giáp Thìn năm 2024 sẽ tăng hơn 11% so với Tết Quý Mão 2023. Nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhất là Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở đã làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường, tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, các chương trình kết nối cung cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa sao cho tốt nhất cho người tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bình ổn thị trường sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ...; kiên quyết không để tình trạng thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Cụ thể, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản...