Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang đang hoạt động hết công suất, không tăng giá bán

Nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm để cung ứng cho thị trường.

Dây chuyền đang chạy 24/24h

Tanaphar là một trong số ít doanh nghiệp có dây chuyền thiết bị đồng bộ và hiện đại nhất khu vực phía các tỉnh Bắc với năng lực sản suất khoảng 50.0000 - 60.000 sản phẩm khẩu trang y tế/ngày.

Công ty chuyên sản xuất khẩu trang tiệt trùng sử dụng cho các cơ sở y tế với 2 loại khẩu trang gồm: Loại 3 lớp có vải lọc kháng khuẩn và loại 4 lớp có thêm lớp than hoạt tính. Với nhu cầu gia tăng hiện nay công ty đang sản xuất đạt mức tối đa là 24/24h mỗi ngày để cung cấp cho thị trường. Giá bán buôn khoảng 30.000 đồng / hộp 50 chiếc, không tăng giá.

Tuy nhiên, ông Đào Đình Khoa, Giám đốc Công ty CP Tanaphar cho biết, với nguồn nguyên liệu hiện có, công ty chỉ có thể sản xuất thêm trong vòng một tuần.

Nguyên liệu sản xuất chính gồm vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính. Vải không dệt trong nước đã sản xuất được, còn vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính hiện trong nước chưa sản xuất nên phải nhập khẩu. Để sử dụng trong phòng dịch chỉ cần loại khẩu trang 3 lớp, loại 4 lớp sử dụng chủ yếu trong các cơ sở y tế.

Công ty nhập khẩu vải lọc kháng khuẩn từ Trung Quốc. Giá nhập khẩu từ Trung Quốc trước dịch là 2 USD/kg vải lọc kháng khuẩn, hiện đã tăng lên 12 USD/kg, 1 tấn vải lọc kháng khuẩn sản xuất được 1,5 triệu khẩu trang. 

Hiện nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không còn nữa do Trung Quốc cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu sản xuất khẩu trang và máy móc sản xuất khẩu trang. Công ty đang liên hệ nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, nhưng cũng đang gặp khó khăn trong giao dịch và giá cũng tăng rất mạnh lên mức 10-12 USD/kg. Công ty mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Chú thích ảnh
Người dân đến mua khẩu trang y tế và dung dịch rửa tay sát khuẩn tại một cửa hàng thuốc tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN.

Còn Công ty CP Dược phẩm Đại Uy cho biết, công ty có 2 dàn máy tự động (đầu tư mỗi máy là 2 tỷ USD với 6 - 10 công nhân/máy) sản xuất khẩu trang 3 lớp hoặc 4 lớp, không có lớp than hoạt tính, mỗi ngày sản xuất được 50.000 chiếc khẩu trang, nếu tăng ca hết công suất có thể sản xuất được 100.000/chiếc. Hiện Công ty đang cho công nhân chạy máy 24/24h.

Công ty không bán sản phẩm ra ngoài, chỉ cung cấp cho khách hàng của mình với giá bán 30.000 đồng/hộp 50 chiếc, không tăng giá bán. Dự kiến trong tuần tới công ty sẽ cung cấp khẩu trang cho Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Xuất nhập cảnh mỗi đơn vị 15.000 chiếc để trang bị cho cán bộ đi làm nhiệm vụ.

Công ty không nhập khẩu màng lọc kháng khuẩn từ nước ngoài mà mua từ Công ty thương mại trong nước (Công ty TNHH Ánh Minh) và nguyên liệu này được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Giá mua nguyên liệu này đã tăng lên 120.000 đồng/kg (trước đó Công ty mua với giá 60.000 đồng/kg).

Các nguyên liệu này đều được nhập khẩu về trước dịch nên trong thời gian tới giá nhập khẩu tăng thì giá mua chắc chắn sẽ cao hơn.

Hiện Công ty còn trong kho khoảng 2 tạ màng lọc kháng khuẩn và đang làm việc với Công ty Ánh Minh cung cấp tiếp 5 tạ để sản xuất khoảng 1 tỷ sản phẩm.

Sản xuất khẩu trang vải phục vụ người dân

Một số doanh nghiệp chuyên về may mặc như: Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, Công ty CP May Sài Đồng, trường Đại học Dệt may…, dù không chuyên về sản xuất khẩu trang, song khẳng định sẵn sàng huy động máy móc, nguyên vật liệu và nhân công tập trung sản xuất mặt hàng này phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Ông Trần Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân cho biết, công ty có thế mạnh chuyên sản xuất loại vải dệt kim kháng khuẩn để may thành các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trang phục kháng khuẩn của thị trường này. Mặt hàng vải do công ty tự chủ động nguyên liệu, cơ bản là từ trong nước, chỉ phải nhập khẩu một số lượng nhỏ hóa chất kháng khuẩn từ Nhật Bản. Do vậy về lâu dài công ty không lo bị thiếu nguyên liệu.

Trước tình hình dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra , công ty đã sản xuất khẩu trang để phục vụ và trang bị cho nhân viên trong ngành. Trong thời gian tới công ty sẽ gia tăng sản xuất sản phẩm và bán ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của dân cư. Dự kiến ngày 3/2 bắt đầu mở bán cho người dân. 

Sản phẩm khẩu trang của công ty bằng vải dệt kim có 2 lớp, trong đó có một lớp kháng khuẩn, tái sử dụng khoản 30 lần giặt, có thể sử dụng trong phòng dịch. Nguyên liệu hoàn toàn do công ty tự chủ sản xuất với công suất 5-8 tấn/ngày, có thể tăng công suất lên 8-10 tấn/ngày, mỗi tấn vải có thể sản xuất được khoảng 40.000 chiếc khẩu trang. Giá bán lẻ sản phẩm là 7.000 đồng/chiếc. 

Hiện mỗi ngày công ty có thể sản xuất được 50.000 chiếc khẩu trang. Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường hiện nay, công ty có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300.000 chiếc mỗi ngày, huy động các đơn vị vệ tinh để sản xuất. Hiện công ty đã trao đổi với Công ty May Hòa Thọ (Đà Nẵng) để phối hợp nâng cao sản lượng sản xuất khẩu trang. 

Tuy nhiên, khẩu trang của công ty hiện nay có thể đáp ứng được yêu cầu của Nhật Bản, nhưng lại chưa chắc chắn đáp ứng quy chuẩn về khẩu trang y tế của Việt Nam. Do vậy, công ty đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy. 

Về phía bộ Công Thương, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, việc đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá bán các sản phẩm y tế, trong đó có mặt hàng khẩu trang là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ, đặc biệt là Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV, các Bộ, ngành yêu cầu.

Về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhất là việc tìm nguồn cung vải kháng khuẩn và các vật tư khác (màng than hoạt tính, dây thun, hoá chất kháng khuẩn… ), ông Hoàn cho biết sẽ tổng hợp ý kiến, báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương để có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, kịp thời nhất.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lan rộng của dịch nCoV, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế, thậm chí là cấm xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế nói riêng, các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch nói chung. Vì vậy, ở tầm vĩ mô và lâu dài, trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo và tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Thu Trang/Báo Tin tức
Yêu cầu đeo khẩu trang trong thang máy, phục vụ nước rửa tay miễn phí tại các chung cư
Yêu cầu đeo khẩu trang trong thang máy, phục vụ nước rửa tay miễn phí tại các chung cư

Đeo khẩu trang ngay khi bước vào sảnh toà nhà, nước rửa tay miễn phí đặt ngay quầy lễ tân; không nói chuyện, nghe gọi điện thoại trong thang máy, khuyến cáo và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV)… là những hình ảnh được bắt gặp ngày càng nhiều tại các chung cư ở Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN