Nhóm cổ phiếu dẫn đầu ngành xi măng duy trì sắc đỏ, dù thị trường chứng khoán trong đà tăng trưởng qua nhiều phiên. Tháng 4, cổ phiếu HT1 của Công ty cổ phần Xi Măng Vicem Hà Tiên giao dịch ở mức 16.350 đồng/đơn vị (đóng cửa phiên 29/4), giảm 13% giá trị so với ngày giao dịch đầu tháng. Các cổ phiếu BTS của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn, cổ phiếu LHC của Công ty cổ phần Xi măng La Hiên VVMI... cũng giao dịch ở mức thấp hơn so với đầu tháng 4.
Riêng cổ phiếu BCC cũng đã mất 13% giá trị so với ngày 1/4/2021, giao dịch ở mức 10.800 đồng/đơn vị (đóng cửa phiên 29/4), khối lượng khớp lệnh cũng giảm đáng kể. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp giảm 14,44 tỷ đồng, tương đương 57,56% so với cùng kỳ. Nguyên nhân mà doanh nghiệp này đưa ra là do mức tăng của giá vốn bán hàng cao hơn mức tăng doanh thu và mức giảm chi phí bán hàng.
Thực tế ghi nhận từ trung tuần tháng 4, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã điều chỉnh mức giá sản phẩm bán ra. Xi măng Bỉm Sơn đã tăng 30.000 đồng/tấn đối với xi măng bao PCB30, PCB 40 từ ngày 21/4. Với mức tăng này, doanh nghiệp mong muốn ổn định sản xuất kinh doanh cũng như giữ vững chất lượng sản phẩm. Công ty cổ phần Xi măng VICEM Hoàng Mai cũng đưa ra mức tăng 30.000 đồng/tấn cho tất cả các sản phẩm xi măng bao và xi măng rời. Điều chỉnh này được áp dụng cho các nhà phân phối, đại lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ ngày 21/4.
Theo các doanh nghiệp sản xuất xi măng, hiện nay chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất xi măng như: than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao… liên tục tăng giá, từ đó tăng giá sản phẩm. Trong khi chi phí giá than và giá điện chiếm từ 40- 45% giá thành sản xuất clinker - nguyên liệu đầu vào chiếm hơn 60% trong quá trình sản xuất xi măng.
Các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán xi măng để đảm bảo chi phí sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí nhưng vẫn phải điều chỉnh tăng giá nếu không sẽ lỗ - đại diện một doanh nghiệp cho hay.
Đối với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn chiếm 57% sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam và 22% tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2020.
Theo quan sát của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, sản lượng xuất khẩu có dấu hiệu chững lại trong tháng 10 và tháng 11, với tổng sản lượng giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Theo đó, nguyên nhân có thể là do sản xuất xi măng ở quốc gia này dần hồi phục.
Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2021, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng cả nước đạt khoảng 34,58 triệu tấn, tăng khoảng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, sản lượng xuất khẩu ước đạt khoảng 15,14 triệu tấn, tăng tới 65% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều này cho thấy việc phụ thuộc vào Trung Quốc trong xuất khẩu xi măng và clinker có thể là mối lo ngại, đặc biệt khi chính sách tài khóa tại quốc gia này có thể bị thắt chặt lại hay việc kiểm soát tín dụng vào thị trường bất động sản tại bất kỳ thời điểm nào.
Về phía các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng cảnh báo việc thừa cung trong thị trường xi măng có thể là trở ngại đối với tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp. Cũng trong 4 tháng đầu năm 2021, thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, tiêu thụ trong nước khoảng 19,44 triệu tấn/34,58 triệu tấn tiêu thụ toàn ngành, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh công suất trong nước năm 2021 ước tính tăng 7%, tương đương 7 triệu tấn từ các dây chuyền sản xuất mới bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đồng nghĩa hiệu suất sản xuất xi măng toàn ngành tăng có thể khiến thừa cung, gây áp lực cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường trong nước.