Diễn biến này xảy ra trong tuần giao dịch dự kiến sẽ chứng kiến các khoản thanh toán thuế của doanh nghiệp Nga hỗ trợ đồng tiền này, còn các nhà đầu tư hướng tới khả năng Ngân hàng trung ương Nga cắt giảm lãi suất vào ngày 29/4.
Vào lúc 15 giờ 17 phút (giờ Việt Nam), đồng ruble đã tăng 0,3% lên giao dịch ở mức 76,90 ruble đổi 1 euro, sau khi chạm mức 75,95 ruble/euro trước đó đầu phiên - mốc cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020. Đồng nội tệ Nga cũng tăng hơn 0,1% so với đồng USD, ở mức 73,04 ruble đổi 1 USD.
Hoạt động giao dịch vẫn khá trầm lắng và có phần thất thường so với mức ghi nhận trước ngày 24/2, thời điểm Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo nhóm phân tích của ngân hàng Promsvyazbank, yếu tố có thể hỗ trợ cho đồng ruble trong tuần này là việc các công ty Nga sẽ phải trả thuế thu nhập vào ngày 28/4. Tuy nhiên, thời hạn thanh toán đối với thuế khai thác khoáng sản của Nga đã kết thúc vào ngày 25/4. Điều này có thể hạn chế phần nào mức tăng giá của đồng ruble.
Ước tính của các nhà phân tích nhận định các khoản thanh toán thuế trong tháng 4/2022 của các doanh nghiệp Nga có thể đạt mức kỷ lục mới.
Trong khi đó, một báo cáo ngắn gần đây của ngân hàng đầu tư Sberbank CIB cho biết, hoạt động bán ngoại tệ của các nhà xuất khẩu sau khi Chính phủ Nga nới lỏng kiểm soát tiền tệ gần đây có thể kết thúc trong tuần này. Khi đó, đồng ruble có thể sẽ chịu áp lực.
Một yếu tố khác cũng chi phối tâm lý thị trường trong phiên này là quyết định về lãi suất của Ngân hàng trung ương Nga tại cuộc họp vào 29/4.
Cuộc thăm dò của hãng tin Reuters dự báo Ngân hàng Trung ương Nga sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản khoảng 20 điểm phần trăm xuống còn 15%, giữa lúc họ đang cố gắng kích thích cho vay nhiều hơn khi nền kinh tế đối mặt với lạm phát cao.
Lãi suất thấp hơn hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc cho vay rẻ hơn, nhưng cũng có thể thúc đẩy lạm phát và khiến đồng ruble dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.