Chốt phiên giao dịch hôm nay 5/11, VN-Index tăng nhẹ 1,05 điểm lên 1.245,76 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 416,4 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 10.983 tỷ đồng. Nếu không tính các giao dịch thỏa thuận thì thanh khoản trên HOSE sẽ có giá trị khớp lệnh thấp nhất trong vòng 18 tháng qua, đạt 8.184 tỷ đồng. Toàn sàn HOSE có 187 mã tăng giá, 1 mã giảm giá và 83 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,41 điểm lên 224,86 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 45,1 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 763 tỷ đồng. Toàn sàn có 81 mã tăng giá, 57 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,29 điểm lên 91,9 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 18,2 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 276 tỷ đồng. Toàn sàn có 147 mã tăng giá, 102 mã giảm giá và 92 mã đứng giá.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều có diễn biến giằng co, phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Tuy nhiên, mức tăng giảm của các cổ phiếu không lớn. Thậm chí nhiều mã còn không có biến động giá.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp đà bán ròng hơn 8 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 854 tỷ đồng trên HOSE, khoảng 17 tỷ đồng trên HNX và khoảng 3 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
MSN bị bán ròng mạnh nhất sàn HOSE, đạt 169 tỷ đồng. Tiếp đến, VHM và MWG lần lượt bị bán ròng 116 tỷ và 86 tỷ đồng; FPT và BMP cũng bị khối ngoại bán ròng đều trên 70 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán đang chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố; trong đó, tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước sự điều chỉnh của chứng khoán toàn cầu và kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra.
Tâm lý bi quan thể hiện ở việc thanh khoản liên tục sụt giảm sâu khi VN-Index vẫn chật vật trước ngưỡng 1.300 điểm. Bên cạnh đó, việc các nhóm cổ phiếu phân hoá kéo dài và thiếu nhóm ngành dẫn sóng cũng khiến dòng tiền chán nản và hướng đến những kênh đầu tư có mức tăng trưởng mạnh.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh các kênh khác đã có đà tăng nóng, vị chuyên gia đến từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam vẫn cho rằng chứng khoán đang là kênh đầu tư hợp lý. Theo đó, giá vàng thế giới sau khi chứng kiến chuỗi tăng mạnh sẽ có rủi ro phân kỳ và điều chỉnh trong thời gian tới. Kênh bất động sản cũng chưa thực sự hút tiền vì đất nền tăng mang tính chất đầu cơ nhiều hơn và khi lên đến đỉnh điểm sẽ có sự hụt hơi nhanh chóng.
Ông Minh cho biết, sau chuỗi rung lắc, VN-Index đã giảm về dưới mốc 1.250 điểm, nhưng điểm tích cực là nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán. Cùng đó, sau kết quả kinh doanh quý III/2024, P/E của VN-Index đã về quanh ngưỡng 13 lần - vùng định giá tương đối hợp lý. Do đó trong ngắn hạn vùng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ tạo cân bằng cho chỉ số.
Trong kịch bản xấu, nếu VN-Index “thủng” 1.240 điểm, nhà đầu tư cần tính đến việc VN-Index sẽ về 1.225 điểm. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, VN-Index rất khó thủng mốc 1.200 điểm khi các nền tảng cơ bản vẫn đang hỗ trợ cho thị trường.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB(MBS) nhìn nhận, thị trường tài chính quốc tế có thể biến động mạnh do cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong nước, dù tỷ giá tăng nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có động thái bơm thanh khoản, hỗ trợ hệ thống ngân hàng và giúp tiền đồng tăng giá so với USD.
Mặt khác, Thông tư /2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư ) có hiệu lực từ 2/11, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu mà không cần đủ tiền khi đặt lệnh và yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đây được xem là động lực thúc đẩy giao dịch của khối ngoại, hỗ trợ quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Giám đốc Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, ông Barry Weisblatt David, Thông tư rất quan trọng, thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Barry Weisblatt David hy vọng Thông tư sẽ là một phần trong xu hướng biến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Thông tư sẽ khiến một số nhà quản lý quỹ tích cực gia tăng phân bổ cho Việt Nam do đầu tư trở nên hiệu quả hơn về chi phí, tuy nhiên, phạm vi này khá nhỏ, không ảnh hưởng đến phân bổ từ các quỹ Vietnam-dedicated (ví dụ như PYN, Dragon Capital hay VinaCapital) vì họ đã đầu tư 100% vào Việt Nam (mặc dù lợi nhuận của họ sẽ tăng nhẹ). Thông tư sẽ áp dụng chủ yếu cho các quỹ khu vực hoặc các quỹ chuyên các thị trường cận biên và mới nổi toàn cầu có quan tâm đến Việt Nam.
Tác động lớn hơn là tác động gián tiếp của việc nâng cao khả năng Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE sẽ công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 3/2025
Công bố này sẽ cải thiện tâm lý thị trường và lực mua của nhà đầu tư cá nhân một cách tích cực. Bên cạnh đó, các ETFs (Quỹ hoán đổi danh mục là một quỹ đầu tư mô phỏng biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu) nước ngoài mô phỏng thị trường Việt Nam có thể gia tăng tài sản quản lý khi nhà đầu tư tại các thị trường nước ngoài kỳ vọng vào nâng hạng thị trường mới nổi. Đây có thể là một sự kiện quan trọng và giúp tăng giá cổ phiếu trong quý I/2025.
Chuyên gia VNDirect kỳ vọng các yếu tố hỗ trợ như khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong cuộc họp tuần này và tốc độ giải ngân đầu tư công, tăng trưởng tín dụng cuối năm có thể đẩy nhanh. Với dư địa tín dụng còn lớn, các tổ chức tín dụng có nhiều cơ hội cho vay trong quý IV.
VN-Index đã mất xu hướng tăng kể từ đầu tháng 8 và hiện ở vùng hỗ trợ gần mốc 1.240 điểm. Với dòng tiền thận trọng và khả năng biến động của chứng khoán thế giới, thị trường có thể kiểm định lại vùng đáy tháng 9, VNDirect nhận định.