Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg |
Giá vàng thế giới giảm do đồng USD và các chỉ số chứng khoán đi lên. Tuy nhiên, tình hình bất ổn về kinh tế và chính trị ở Mỹ và châu Âu được dự đoán sẽ hỗ trợ giá vàng trong thời điểm hiện tại.
Cụ thể, trong phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống còn 1.225,71 USD/ounce. Trong khi giá vàng Mỹ giao tháng Ba giảm 0,8% và được giao dịch ở mức 1.225,80 USD/ounce.
Đồng USD chạm mức cao nhất trong hai tuần qua so với đồng yen, trong bối cảnh giới đầu tư đang hướng sự chú ý tới các kế hoạch chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế mà ông Donald Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử Tổng thong cuối năm ngoái.
“Đồng bạc xanh” mạnh lên sẽ khiến cho những hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó có thể làm giảm nhu cầu.
Cùng với đó, xu hướng tăng điểm của các thị trường chứng khoán toàn cầu cũng là một yếu tố tác động đến giá vàng trong phiên này.
Các cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay ở một số nước châu Âu, đầu tiên là ở Hà Lan vào cuối tháng Ba, cộng với vụ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo gần đây đã và đang làm gia tăng nguy cơ bất ổn, điều sẽ có lợi cho giá vàng.
Cùng phiên, giá bạc giảm 0,7% xuống còn 17,83 USD/ounce, trong lúc giá bạch kim giảm 1,2% và được giao dịch ở mức 998,5 USD/ounce.
Trong phiên giao dịch ngày 13 /2, giá dầu thế giới giảm khoảng 2%, mức giảm lớn nhất kể từ giữa tháng Một, do đồng USD mạnh lên và những dấu hiệu về sản lượng ở Mỹ gia tăng.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao kỳ hạn tháng 3/2017 giảm khoảng 1,7% xuống 5 2,93 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent giao tháng 4/2017 cũng giảm 1, 11 USD (2%) xuống 55, 59 USD/thùng.
Nhân viên làm việc tại cây xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: EPA/TTXVN |
Công ty dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes thông báo số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ tính đến cuối tuần qua đã tăng thêm 8 giàn lên 591 giàn khoan, cao nhất kể từ tháng 10/2015.
Theo nhiều chuyên gia, các nhà đầu tư lo ngại rằng hoạt động khai thác "vàng đen" gia tăng ở Mỹ sẽ làm tăng sản lượng dầu của nước này và tác động xấu đến nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác của các quốc gia trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC).
Cuối năm vừa qua, các nước trong và ngoài OPEC, trong đó có Nga, đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng dầu mỏ mỗi ngày trong nửa đầu năm 2017. Đây là nỗ lực chung của các nước nhằm hỗ trợ giá dầu và giảm tình trạng dư thừa nguồn cung trên toàn cầu.